Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 48/2021

Sau 6 tuần giảm liên tiếp, giá dầu thế giới vừa ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 8 nhờ triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu được củng cố khi lo ngại về biến thể Omicron giảm bớt.

Bước vào phiên giao dịch ngày 06/12, giá dầu thô có xu hướng tăng khi nhận được lực hỗ trợ từ cả 2 phía cung - cầu. Về phía cung, thị trường hoài nghi khả năng tăng sản lượng theo kế hoạch của OPEC+ trong tháng 12 khi mức tăng của tháng 11 thấp hơn khá nhiều so với hạn mức phân bổ.

Quyết định tăng giá bán dầu của Saudi Arabia cho thị trường Đông Nam Á và Mỹ, cùng với cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran vẫn đang đi vào bế tắc tiếp tục hỗ trợ giá đi lên. Đặc biệt, lo ngại về biến thể Omicron đã giảm bớt phần nào sau khi hãng dược Pfizer tuyên bố vaccine Pfizer vẫn có tác dụng đã lấy lại đà cho giá dầu hôm 9/12 bật tăng mạnh.

Lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu tạm thời hạ nhiệt khi một loạt các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế của Mỹ và Trung Quốc lên tiếng khẳng định biến chủng Omicron không nguy hiểm như cảnh báo, thậm chí còn không bằng biến chủng Delta và nó đang được kiểm soát.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị kìm hãm khi lưu lượng hàng không nội địa ở Trung Quốc giảm, do các hạn chế đi lại bị siết chặt hơn và lòng tin của người tiêu dùng yếu đi sau khi các đợt dịch bùng phát nhỏ lặp lại.

Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này bị đặt nhiều dấu hỏi sau khi Tập đoàn China Evergrande bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm xuống mức “vỡ nợ hạn chế”. Thông tin trên đã làm trầm trọng thêm nỗi lo về tăng trưởng GDP của Trung Quốc và cuối cùng có thể tác động đến nhu cầu mua dầu thô lớn nhất thế giới.

Song, áp lực giảm giá với dầu thô là khá hạn chế khi thế giới đã trải qua hơn 20 tháng “sống chung” với đại dịch, và đã sẵn sàng với tình trạng bình thường mới.

Chính vì vậy, khi loạt dữ liệu tích cực về biến thể Omciron được công bố và thông tin dự trữ dầu thô giảm, giá dầu đã tiếp tục bật tăng mạnh.

Ngoài ra, căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng và Mỹ cho biết sẽ có biện pháp trừng phạt kinh tế nếu Nga có động thái với Ukraine. Diễn biến này đã đẩy thị trường khí đốt tăng giá mạnh, thậm chí là một cuộc “khủng hoảng” khí đốt mới ở châu Âu. Sự thiếu hụt khí đốt, hoặc giá khí đốt quá cao được nhận định sẽ là tác nhân làm gia tăng nhu cầu dầu thô, qua đó đẩy giá dầu thô tăng mạnh.

Biến thể Omicron đang khiến các ca nhiễm Covid-19 mới tăng nhanh nhưng theo dữ liệu từ các bệnh viện châu Phi, phần lớn các bệnh nhân đều có triệu chứng nhẹ hơn so với các làn sóng lây nhiễm trước.

Khép tuần giao dịch, giá dầu ngày 12/12 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2022 trên sàn New York Mercantile Exchange, đứng ở mức 71,96 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 2/2022 đứng ở mức 75,37 USD/thùng.

Như vậy, tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu Brent, WTI tăng lần lượt 7,7% và 8,1%, tuần tăng đầu tiên trong 7 tuần.

Thị trường tuần trước phản ứng không đáng kể trước số liệu tồn kho. Cụ thể, tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 3/12 giảm 240.000 thùng, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 7 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan dầu và khí hoạt động lên 576, cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes.

Mọi sự chú ý hiện đang tập trung vào cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed trong hai ngày 14 – 15/12.

Số liệu lạm phát tháng 11 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng 6,8%, mạnh nhất gần 40 năm và các thị trường cũng phản ứng trái chiều.

Số liệu lạm phát là yếu tố quyết định mức độ điều chỉnh chính sách của Fed. Và do lập trường tăng tốc siết hỗ trợ của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã được tính vào giá, nên thị trường giờ chỉ chờ xem từ ngữ, bảng dự báo tăng lãi suất và kinh tế.

ĐỌC THÊM