Mặc dù sản lượng dầu thô giảm liên tục nhưng Venezuela đã chứng kiến xuất khẩu dầu thô sang thị trường lớn nhất, Mỹ, gia tăng kể từ tháng Hai năm nay. Thực vậy, từ giữa tháng 2 tới tháng 6, xuất khẩu dầu của Venezuela đến các nhà máy lọc dầu Gulf Coast tăng ấn tượng 43%, theo dữ liệu hải quan của Mỹ được S & P Platts trích dẫn. Điều gì đang xảy ra?
Sự phục hồi trong xuất khẩu của Venezuela chỉ giới hạn ở các nhà máy lọc dầu Gulf Coast, các nhà phân tích lưu ý. Những nhà máy này được trang bị để xử lý các loại dầu nặng hơn, và sự lựa chọn nhà cung cấp của họ bị hạn chế. Sản xuất dầu của Mexico đang trì trệ vào thời điểm hiện tại, bất chấp kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền mới để tăng từ 1,9 triệu thùng/ngày hiện nay lên 2,5 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô nặng của Canada đang tăng trưởng, nhưng công suất đường ống thì không, vì vậy rất khó khăn và tốn kém để đưa được dầu thô nặng nhiều hơn tới các nhà máy lọc dầu ở vùng Gulf Coast. Dầu nặng của Venezuela là một lựa chọn thay thế thích hợp.
Có vẻ như đây là một giải pháp thay thế thích hợp mặc dù các báo cáo trước đó nói rằng các nhà máy lọc dầu Gulf Coast đã bắt đầu quay trở lại với dầu của Canada vì chất lượng dầu của Venezuela không đạt yêu cầu tiêu chuẩn. Hoặc Venezuela đã tìm mọi cách để cải thiện chất lượng. Có lý do chính đáng để làm như vậy: Mỹ hiện nay chiếm hơn 45% sản lượng dầu của Venezuela, nên việc chăm sóc một thị trường lớn như vậy là hợp lý.
"Mỹ hiện là máy rút tiền ATM đối với Venezuela," một nhà phân tích từ Hedgeye Risk nói với S & P Platts. Tất nhiên, điều này thật mỉa mai, do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela, nhưng nó vẫn là một sự thật. Bất chấp lệnh trừng phạt và sự thù địch lẫn nhau, Mỹ là thị trường dầu lớn nhất của Venezuela, thậm chí còn lớn hơn cả Trung Quốc, một đồng minh trung thành của Caracas.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga cũng có nhu cầu đối với dầu thô Venezuela: hai quốc gia ủng hộ tài chính lớn nhất của nước này. Một số nhà phân tích xác định đây là một yếu tố có thể làm gián đoạn việc nhập khẩu dầu thô Venezuela của Mỹ, cùng với chất lượng dầu thô của nước này thấp. Venezuela đang nợ nần ngập đầu với Trung Quốc và cả Nga, và đang phải trả nợ bằng dầu thô.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Washington có thể quyết định tiến hành các biện pháp trừng phạt bao trùm lên ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela mà chính quyền đã ra hiệu như một lời đe dọa trong khoảng một năm nay. Khả năng xảy ra điều này vẫn còn thấp - vì lo ngại về việc làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng nhân đạo đã nghiêm trọng - nhưng sự lựa chọn vẫn đang được bàn bạc. Nếu những biện pháp trừng phạt này được áp đặt, thì xuất khẩu dầu của Venezuela sang Mỹ sẽ ngay lập tức rớt về zero.
Vì khách hàng của Venezuela chỉ là các nhà máy lọc dầu ở Gulf Coast - và người mua lớn nhất là công ty con của PDVSA, Citgo – nên đòn tấn công vào ngành lọc dầu của Hoa Kỳ sẽ bị hạn chế. Mặc dù vậy, thực tế là những biện pháp trừng phạt này chưa được thực hiện cho thấy nó không phải là một đòn giáng mà Washington sẵn sàng đánh vào các nhà máy lọc dầu Gulf Coast, do đó PDVSA sẽ tiếp tục có một thị trường cho khoảng một nửa sản lượng đang sụt giảm của mình trong thời gian này.
Nguồn tin: xangdau.net