Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xăng dầu Dung Quất đã có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu

   Những điều chỉnh về cơ chế tài chính cho Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đã giúp sản phẩm của Nhà máy này có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu từ các nước.


Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: BSR


Theo Tổng Giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên, trong năm 2016, việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất gặp rất nhiều khó khăn do kém cạnh tranh. Nguyên nhân xuất phát từ chênh lệch do sự khác biệt giữa chính sách thuế nhập khẩu đối với sản phẩm của Nhà máy so với hàng nhập khẩu từ các nước được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Khoảng thời gian 8 tháng đầu năm được lãnh đạo BSR nhận định là “khó khăn, thách thức” khi giá dầu tiếp tục diễn biến khó nắm bắt, khoảng cách giữa giá sản phẩm và dầu thô bị thu hẹp rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, chênh lệch thuế bất lợi, chưa bình đẳng cho sản phẩm xăng dầu của BSR so với các nước được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo FTA chưa được tháo gỡ, và thêm vào đó là việc điều chỉnh cách tính thuế nhập khẩu theo cách tính bình quân gia quyền trong tính giá cơ sở.

Thực tế, từ đầu năm 2016 đến nay, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc giảm xuống còn 10%, các loại dầu diesel từ khu vực ASEAN về 0% trong khi mức thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xăng, dầu Dung Quất vẫn là 20% và 7%. Vì vậy, sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất làm ra có giá bán cao hơn, nên các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối như Petrolimex, Saigon Petro, Petimex… đều giảm mua và tăng cường nhập khẩu để hưởng lợi thế chênh lệch về thuế nhập khẩu.

“Đã có thời điểm Bình Sơn phải mang đi gửi kho sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và tổng lượng xăng tồn kho lên tới 130% tổng sức chứa của kho nhà máy, dù BSR đã phải áp dụng nhiều chính sách bán hàng như giảm giá, giãn thời hạn thanh toán cho khách hàng.

Giai đoạn từ tháng 3/2016, nguồn hàng giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam rất nhiều đã cạnh tranh trực tiếp với hàng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Để bảo đảm tồn kho ở mức hợp lý nhằm duy trì ổn định vận hành của Nhà máy, trong tháng 5-6/2016, Công ty đã phải tiến hành gửi kho đối với mặt hàng xăng”, ông Trần Ngọc Nguyên chia sẻ.

Ngày 3/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1725/QĐ-TTg sửa đổi một số điều của Quyết định 952/QĐ-TTg ngày 26/7/2012 về cơ chế tài chính cho Công ty BSR. Theo đó, đối tượng thu điều tiết áp dụng với xăng của BSR từ 3/9/2016 đến hết 31/12/2016 với tỉ lệ 10%. Bãi bỏ thu điều tiết từ 1/1/2017.

“Với cơ chế này, hàng hóa của BSR đã có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu”, ông Trần Ngọc Nguyên cho biết.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, các chỉ tiêu chính về hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong 9 tháng vẫn đạt những kết quả khả quan.

Cụ thể, BSR sản xuất được khoảng 5,1 triệu tấn (88% kế hoạch năm), sản lượng tiêu thụ hơn 4,9 triệu tấn sản phẩm các loại (85% kế hoạch năm). Theo đó, doanh thu 9 tháng ước đạt 51.886 tỷ đồng (đạt 63% kế hoạch năm), lợi nhuận đạt 1.038 tỷ đồng (130% kế hoạch năm) và nộp ngân sách Nhà nước khoảng 8.625 tỷ đồng (72% kế hoạch năm).

Như vậy, kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành đến thời điểm hiện nay, BSR đã nhập tổng cộng 47 triệu tấn dầu thô và sản xuất được hơn 42 triệu tấn sản phẩm các loại, đạt doanh thu thuần 776.500 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 132.000 tỷ đồng. Sản lượng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cung cấp đáp ứng khoảng 30-35% nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Đáng chú ý, năm 2017, Bình Sơn sẽ phải đối diện với việc xuất hiện thêm một đối thủ cạnh tranh mới khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động. Thêm vào đó, cũng trong năm tới, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ phải tiến hành bảo dưỡng định kỳ lần 3 với thời gian dự kiến là 52 ngày (từ ngày 5/6-26/7/2017).

Trước tình hình đó, lãnh đạo BSR cam kết sẽ giữ nhà máy vận hành ổn định ở 98-105% công suất thiết kế, bảo đảm giao hàng theo hợp đồng đã ký kết.

Kể từ ngày 1/1/2017, thực hiện Quyết định 1725/QĐ-TTg, việc thu điều tiết đối với sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được bãi bỏ.

“Đây là lợi thế rất lớn để sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể cạnh tranh với nguồn hàng nhập khẩu có ưu đãi thuế trong thời gian tới,” ông Nguyên khẳng định.

Nguồn tin: Baochinhphu

ĐỌC THÊM