Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xăng dầu nội sẽ cạnh tranh với thế giới

Làm việc với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết, sản phẩm Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất chính thức ra mắt ngày 22/2, ngoài góp phần bình ổn thị trường, sẽ tiến tới cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Chiều 18/2, chỉ huy trưởng công trường - ông Trương Văn Tuyến (Phó tổng giám đốc PetroVietnam), báo tin, qua vận hành thử nhà máy từ 14/2 đến nay, các công đoạn đều thể hiện chất lượng hoạt động tốt, an toàn cao; tất cả sẵn sàng cho lễ khánh thành nhà máy.

Theo Thứ trưởng Hào, NMLD Dung Quất với công suất 6,5 triệu tấn/năm, khi hoạt động với 100 phần trăm công suất thiết kế (dự kiến từ tháng 8/2009), sẽ đáp ứng hơn 30 phần trăm nhu cầu xăng dầu trong nước.

Thưa ông, NMLD Dung Quất đi vào hoạt động liệu có tác động đến giá xăng dầu trong nước không?

Khi nhà máy chạy hết công suất thiết kế, mỗi tháng sẽ cung cấp cho thị trường 15 vạn tấn xăng, 24 vạn tấn diesel, 23 nghìn tấn gas hóa lỏng, ba vạn tấn xăng máy bay Jet-A1, 25 nghìn tấn dầu FO... cùng nhiều sản phẩm phụ.

Chính phủ chỉ đạo, việc phân phối và bán sản phẩm của nhà máy sẽ theo cơ chế thị trường (cạnh tranh) quốc tế; giá bán trong nước chỉ được tính ngang bằng hoặc thấp hơn chứ không cao hơn giá xuất khẩu.

Thời gian đầu, khi nhà máy chạy chưa hết công suất và khấu hao còn cao thì chưa hy vọng giá xăng dầu ở đây sẽ thấp hơn nhập khẩu. Nhưng đến khi nhà máy khấu hao được nhiều, chắc chắn giá bán trong nước phải hạ.

Vậy theo ông, hy vọng lớn nhất từ việc khánh thành nhà máy là gì?

Ủy viên HĐQT PetroVietnam Hoàng Xuân Hùng cho biết dầu thô Việt Nam thuộc loại sạch, chứa rất ít tạp chất. Dầu thô Việt Nam thuộc họ dầu parafinic chứa nhiều hydrocarbon parafin...

Do vậy, dầu thô của Việt Nam có giá trị cao, khi chưng cất cho phép thu nhận tỉ lệ sản phẩm nhẹ (trắng) 50-60 phần trăm; có thể dùng cho  sản xuất các loại xăng, nhiên liệu phản lực, dầu hỏa, diesel, FO.

Khi chế biến, dầu thô của Việt Nam có thể phối trộn với dầu thô khác, căn cứ vào đặc điểm, tính chất của nó.

Việt Nam đang phải nhập khẩu toàn bộ xăng dầu. Lượng xăng dầu mua về dự phòng lâu nay quá ít, chỉ đảm bảo thời gian quá ngắn so với nhiều nước. NMLD Dung Quất khởi đầu chỉ chạy nửa công suất, rồi nâng dần lên.

Đến hết năm nay, nếu được 3 - 4 triệu tấn cũng mới chỉ coi là nguồn bổ sung nguồn dự trữ xăng dầu đang quá hẻo (theo quy định hiện hành ở ta, mức tối thiểu dự trữ đủ cho cả xã hội dùng 15 - 20 ngày).

Khi nhà máy chạy hết công suất, chắc sẽ giảm sức ép nhập khẩu xăng dầu, việc điều tiết xăng dầu trong nước cũng đỡ khó hơn (khi giá xăng dầu thế giới tăng thì sản phẩm từ nhà máy này sẽ góp phần bình ổn giá trong nước).

Như thế, chúng ta dần thoát khỏi thế yếu, tiến tới tạo thế mạnh khi đàm phán với nước ngoài. An ninh năng lượng được cải thiện, đây là điều quan trọng nhất.

Bao giờ chúng ta mới hoàn toàn bảo đảm được an ninh năng lượng, thưa ông?

Chúng ta cùng chờ chục năm nữa, khi đó, nước ta có thêm bốn nhà máy lọc hóa dầu (Nghi Sơn, Long Sơn, Phú Yên, Vân Phong) xây dựng xong và vào hoạt động.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào

Mới chỉ có nhà máy Dung Quất hoạt động đã lo thiếu nguyên liệu trong nước, vì nguồn chính là mỏ Bạch Hổ không còn khai thác được lâu nữa. Liệu chúng ta sẽ xử lý vấn đề này ra sao?

Đúng là có chuyện thiếu, nhưng chúng ta đã có kế hoạch nhập từ nước ngoài. Nhiều hãng tuyên bố sẵn sàng hợp tác. Gần đây nhất, hãng BP cam kết cung cấp. Chúng ta cũng đang hợp tác khai thác dầu thô với nhiều nước, nên chắc chắn lâu dài không lo thiếu đầu vào cho các nhà máy lọc hóa dầu.

Vả lại, trên thế giới hiện nay, công suất lọc hóa dầu còn thấp hơn nhiều so với khai thác, có nghĩa đang rất thiếu nhà máy lọc hóa dầu. Mức giảm giá xăng không theo kịp mức giảm giá dầu thô, thậm chí nhiều khi giá dầu xuống mà giá xăng lại lên.

Về khả năng bao tiêu sản phẩm sắp tới sẽ thế nào?

PetroVietnam đảm nhận phân phối, bao tiêu hết trong giai đoạn đầu.

Cty Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý, vận hành nhà máy) vừa báo cáo, giai đoạn đầu, do sản lượng chưa ổn định nên chưa thể ký hợp đồng cố định bao tiêu sản phẩm với nhiều nhà phân phối (chủ yếu do lịch giao hàng có thể thay đổi).

Một số hãng nước ngoài đang thương thảo, có hãng – như Marubeni – ký hợp đồng tiêu thụ khí propylene ngay khi nhà máy polypropylene chưa hoạt động. Sản phẩm lọc hóa dầu còn thuộc loại dễ tiêu thụ, nhiều tổ chức nước ngoài cần mua, nhưng chúng ta dành phần chính tiêu thụ trong nước.

Có thêm nhiều sản phẩm từ công nghiệp hoá dầu

Chủ tịch HĐQT PetroVietNam Đinh La Thăng

Chủ tịch HĐQT Petro Vietnam Đinh La Thăng cho biết, theo chiến lược phát triển của PetroVietnam đến năm 2015, PetroVietnam sẽ đầu tư xây dựng ba NMLD (NMLD Dung Quất công suất 6,5 triệu tấn/năm, Nhà máy Lọc - Hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn/năm, NMLD phía nam 10 triệu tấn/năm).

Các nhà máy này trong giai đoạn hai sẽ tiếp tục được nâng cấp, mở rộng. Tới năm 2014 - 2015, tổng công suất lọc dầu các NMLD của PetroVietnam sẽ  25 - 30 triệu tấn/năm.

Các NMLD này đều có công nghệ hiện đại bậc nhất, đảm bảo cho ra những sản phẩm/nhiên liệu đáp ứng tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về kỹ thuật và môi trường; góp phần đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Cùng với cung cấp nhiên liệu, các NMLD sẽ cung cấp nguyên liệu chính cho công nghiệp hóa dầu (propylen, ethylen, aromatic...) để sản xuất chất dẻo (polypropylen, polyethylen, PVC...), chất tẩy rửa, xơ sợi (polyester...) và các sản phẩm hóa dầu khác.

Song song với các nhà máy lọc hóa dầu, các tổ hợp lọc hóa dầu và các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học cũng đang được PetroVietnam triển khai mạnh để đưa ra các loại nhiên liệu mới, có tính kinh tế cao, thân thiện và ít gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng trong thời gian sắp tới.

(Tiền phong)

ĐỌC THÊM