Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xăng dầu xuống nhưng giá thực phẩm, dịch vụ chỉ tăng không giảm

Chiều 10-12-2008, giá xăng dầu một lần nữa lại giảm thêm 1.000đồng/lít, chỉ còn 11.000đồng/lít. Nếu so với thời điểm này năm trước, giá xăng dầu đã thấp hơn đến 2 - 3.000đồng/lít, thế nhưng giá cả các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cùng giá dịch vụ ăn uống không những không giảm mà còn tiếp tục gia tăng.

Không còn lý do, nhưng vẫn không giảm giá

Thông thường khi muốn tăng giá bất cứ một loại hàng hóa, dịch vụ nào, người ta thường vin vào lý do xăng dầu và giá cước vận chuyển tăng nên giá cả không thể giảm. Thế nhưng hiện nay giá xăng dầu đã giảm nhiều lần, từ lúc cao nhất là 19.000đ/lít xuống chỉ còn 11.000đ, mà giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu và dịch vụ ăn uống lại càng ngày càng theo chiều hướng gia tăng. Nếu lúc xăng dầu đang ở mức cao nhất, người ta vẫn có thể ăn được tô phở giá 20.000đ, vẫn mua được bó rau 1.000đ, vẫn đi xe taxi với giá 7.000đ/km... thì bây giờ muốn mua bó rau muống phải có ít nhất 4.000đ mới đủ cho một gia đình 4 người ăn; một tô phở hoặc hủ tiếu, bún bò bình thường cũng phải từ 25 - 30.000đ; một km taxi vẫn 10 - 11.000đ.

Giá xăng dầu giảm nhưng thực phẩm vẫn tăng

Lúc trước chị em tiểu thương, chủ dịch vụ giải thích lý do tăng giá là do giá đầu vào cao quá, do bão lụt thiên tai, biến động nguyên liệu... nên phải tăng giá để khỏi lỗ. Còn bây giờ không còn những lý do trên, họ im lặng không giải thích nhưng vẫn cương quyết không chấp nhận giảm giá dù ế ẩm. Cũng có một số người giải thích lý do không giảm giá, chẳng hạn như các doanh nghiệp vận tải cho rằng khó khăn lắm mới tăng giá cước lên được, bây giờ giảm xuống lỡ xăng dầu lại lên bất tử thì sao?! Còn bà bán cơm tấm bình dân ở lề đường Bàu Cát, quận Tân Bình thì bảo: trước đây tôi bán chỉ có 6.000đ/dĩa, sau tăng dần lên đến hiện nay là 12.000đ. Dù biết rằng giá gạo cũng đã xuống, thịt cũng xuống, than củi nướng thịt cũng không cao... nhưng giảm giá cơm xuống uổng lắm, vì có ai chê đâu, người ta vẫn chấp nhận ăn với giá cao mà!... Chị bán rau muống ở chợ Hoàng Hoa Thám, Q. Tân Bình cho biết, trước đây người ta chỉ mua rau muống từ 1 - 2.000đ, bây giờ các bà nội trợ đã chấp nhận mua mỗi bó rau 4 - 5.000đ rồi, tội gì mà giảm giá. Lúc trước mua 1.000đ được 4 - 6 quả ớt sừng trâu, bây giờ cô bán hàng dứt khoát phải 2.000đ/quả nhưng người mua vẫn chịu móc hầu bao. Vì thế, các mặt hàng thực phẩm hàng ngày và dịch vụ ăn uống vẫn không chịu giảm giá.

Càng gần cuối năm, trong khi các mặt hàng kim khí điện máy, vật liệu xây dựng, dệt may, xe gắn máy, ôtô... đang đua nhau giảm giá để mong hút khách thì các mặt hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống lại tiếp tục rục rịch tăng giá. Chẳng hạn như giá bia rượu đang tăng từ 10 - 20%; thịt heo, thịt gà, thực phẩm ngày tết cũng đang hứa hẹn tăng giá; giá hàng hóa mỹ phẩm, tẩy rửa tăng từ 5 - 10%, giá các bàn tiệc cưới, liên hoan ăn uống tăng 10 - 20%, giá các dịch vụ làm đẹp cũng tăng cao ngất ngưởng; giá taxi, xe đò, xe khách chỉ hứa sẽ giảm nhưng vẫn nằm nguyên mức cũ; xe tải dù nằm đầy bến vì không có hàng hóa để chở nhưng vẫn kiên quyết không giảm cước; giá tour du lịch, khách sạn cũng trong tư thế chờ “chặt chém” như mọi năm dù lượng khách chỉ còn một nửa... Có lẽ những người kinh doanh các mặt hàng kể trên cho rằng vẫn có thể dựa vào câu “tết mà” như mọi năm để thừa gió bẻ măng.

Những đơn vị, cá nhân có chức năng cần vào cuộc

Ai cũng biết, hiện nay cả thế giới đang nằm trong giai đoạn khó khăn về kinh tế, người dân trên toàn cầu đang phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu để mong tồn tại qua thời kỳ này. Không lẽ nào người dân VN vẫn phải tiêu dùng, ăn uống với những mức giá “phi lý như giá ôtô” vậy, nhất là khi giá xăng dầu - lý do chính yếu để tăng giá - đã giảm gần bằng giá thị trường thế giới.

Để khắc phục tình trạng “giá lên là không bao giờ xuống” chỉ có ở nếp sống, nếp nghĩ của người dân chúng ta, mong rằng các cơ quan chức năng sớm ra tay can thiệp, nhất là lực lượng quản lý thị trường. Đành rằng trách nhiệm của QLTT chủ yếu là giám sát hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu... nhưng việc thiếu quản lý đến mức gần như buông lỏng về giá cả thị trường như hiện nay lẽ nào không phải trách nhiệm của cơ quan này?

Đối với các cấp quản lý, cụ thể là ban quản lý các chợ, ban ngành chức năng ở địa phương... không phải chỉ cần kêu gọi các tiểu thương, chủ dịch vụ niêm yết giá cả rõ ràng tại nơi kinh doanh, mà còn phải có biện pháp chế tài, xử lý những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm. Về phần người tiêu dùng, không nên tiếp tay cho sự tăng giá bất hợp lý, bằng cách hãy tẩy chay những hàng, quán, những tiểu thương, những điểm dịch vụ bán giá cao... Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng nâng giá vô tội vạ, bất hợp lý ở các mặt hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống, vận tải... như hiện nay

(Công an)

ĐỌC THÊM