Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Mỹ: Chậm lại hay suy giảm?

Khi mà chỉ số lạm phát vẫn còn ở mức thấp, ngày càng nhiều nhà phân tích bắt đầu nghi ngờ các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã không làm đủ để đưa nền kinh tế thoát khỏi bóng ma giảm phát.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần đây đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống khoảng 3-3,5% trong năm 2010, so với 3,2-3,7% trước đó do tỷ lệ thất nghiệp còn cao, hiện ở mức 9,3%. Điều này làm dấy lên những lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ.

Giá hàng hóa tại Mỹ tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp khi giảm 0,5% trong tháng 6/2010, sau mức giảm 0,1% trong tháng 5 và 0,3% trong tháng 4. Lạm phát cơ bản (core inflation: không gồm chi phí năng lượng và lương thực) cũng chỉ tăng 0,1% trong tháng 6, và tăng 1,1% trong 12 tháng qua.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục là một sự nguy hiểm đối với sự hồi phục kinh tế Mỹ và các nhà kinh tế lo lắng rằng một sự giảm mạnh về tỷ lệ tăng trưởng có thể khiến vòng xoáy suy giảm quay trở lại.

“Nếu bạn nhìn vào các rủi ro và những gì chúng ta có thể làm đối với các rủi ro này thì rủi ro về cú sốc suy giảm (downside shock) sẽ là đáng ngại hơn rủi ro về cú sốc tăng giá (lạm phát) mạnh của nền kinh tế nói chung,” Eric Rosengren, một chủ tịch của Fed tại Boston chia sẻ với the Wall Street Journal.

Theo Rosengren, tỷ lệ lạm phát cơ bản thì chỉ khoảng 1% và với những gì mà các nhà hoạch định chính sách đã làm đối với nền kinh tế, rủi ro giảm lạm phát (disinflation) là vẫn còn. “Tôi phải nói rằng rủi ro giạm phát đang ra tăng và đây là rủi ro đáng kể nhất lúc này,” ông nói.

Bình luận của Rosengren là minh chứng của sự chia rẻ đang ra tăng giữa các thành viên của Ủy ban thị trường mở của Fed (FOMC). Fed, vốn đang chịu nhiều sức ép phải dừng các gói cứu trợ, đã có những bước nhằm cân bằng lại ngân sách với việc từ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ và kết thúc chương trình mua trái phiếu. Và phần lớn các nhà phân tích tin rằng chủ tịch Fed, ông Ben S. Bernanke sẽ đứng ngoài, không can thiệp mạnh vào các việc trên, trừ khi có sự sụp đổ về kinh tế.

FOMC trong một thông báo ngắn sau cuộc họp tháng 6 nói rằng triển vọng kinh tế Mỹ đã yếu đi một chút (softened somewhat) nhưng Fed sẽ chỉ cân nhắc các biện pháp kích thích tiếp theo nếu như triển vọng kinh tế Mỹ tệ đi một cách rõ nét.

“Fed sẽ phải chứng kiến kinh tế Mỹ rơi tự do trước khi khôi phục lại quá trình mua trái phiếu. Kinh tế Mỹ thì không rơi tự do và Fed cũng không nhận thấy món hời nữa của việc tiếp tục mua thêm tài sản,” Michael Feroli, kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase & Co, nói.

Fed đã tăng gấp đôi giá trị tài sản nắm giữ lên 2.300 tỷ USD kể từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra bằng việc mua trái phiếu cầm cố và các khoản nợ bằng trái phiếu chính phủ Mỹ nhằm duy trì lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn ở mức thấp.

Và trong khi việc mua trái phiếu này giúp giữ lãi suất ở mức thấp, thì việc gia tăng tín dụng lại ít đi khi vay mượn tiêu dùng giảm 9,1 tỷ USD trong tháng 5 sau khi đã giảm 14,9 tỷ USD trong tháng 4.

Sau cuộc họp tháng 6, Fed, cũng đã lần đầu tiên trong vòng 1 năm qua thừa nhận khả năng đe dọa của giảm phát. Theo Fed thì kinh tế Mỹ cần tới 5-6 năm để hoàn toàn thoát khỏi Great Recession năm 2008 và nhiều năm đối mặt với thất nghiệp cao, nhiều năm lo lắng về giảm phát, và nhiều năm lãi suất thấp.

“Vài quan chức Fed cho rằng sự tiếp tục của lạm phát thấp hơn dự kiến và thất nghiệp cao có thể cuối cùng sẽ dẫn tới khả năng suy giảm về kỳ vọng lạm phát và tạo ra sức ép tới việc gây suy giảm lạm phát,” thông cáo của Fed cho biết.

“Ngược lại, một vài người cho rằng khả năng về tình trạng tài khóa không bền vững và số tiền Fed bung ra để mua tài sản có thể gia tăng kỳ vọng lạm phát và lạm phát thực tế trong tương lai,” thông cáo nói.

Các chỉ trích vẫn tiếp tục nhằm vào ông Bernanke rằng ông có thể tiếp tục ngăn chặn nguy cơ suy thoái bằng việc nối lại việc mua tài sản hay có thái độ dứt khoát về việc duy trì lãi suất thấp lâu dài.

Theo Rosengren, hiện Fed vẫn có trong tay nhiều công cụ để chống lạm phát hơn là chống giảm phát. “Chúng ta có nhiều khả năng thắt chặt tiền tệ hơn nếu nền kinh tế tăng trưởng quá nóng và lạm phát trở thành nỗi lo. Nhưng sẽ có chút bất ổn là liệu các công cụ của chúng ta có hiệu quả khi kinh tế rơi vào suy giảm,” Rosengren nói.

Quốc hội Mỹ tháng trước đã không đồng ý gia tăng trợ cấp thấp nghiệp, khiến khoảng 2 triệu người không có sự trợ giúp và con số này sẽ tăng lên 3,3 triệu cuối tháng này nếu một thỏa thuận không đạt được. “Chúng ta nên lo lắng về rủi ro suy giảm và chính sách đối phó là gì,” Rosengren nói.

Christina Romer, một cố vấn kinh tế của Nhà Trắng cũng nói rằng giảm phát là một đe dọa với nước Mỹ khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao. “Đó là rủi ro nhưng kinh tế Mỹ sẽ không dơi vào suy thoái (recession),” ông nói.

Cho dù kinh tế Mỹ, một đầu tàu của nền kinh tế thế giới, có bị suy giảm kinh tế hay rơi trở lại suy thoái hay không, các nhà đầu tư cũng không có nhiều lý do để vui mừng.

stox

ĐỌC THÊM