Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế thế giới lại bước vào thời kỳ giảm phát ?

(DĐDN) – Dường như “bóng mây đen” của nền kinh tế Trung Quốc đã bao phủ hội nghị các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc NHTW nhóm G20 vào cuối tuần qua khi phần lớn chương trình Nghị sự được đề cập tới là câu chuyện Trung Quốc. Và sự lo lắng về tương lai kinh tế thế giới vẫn là nỗi ám ảnh của giới chức G20.

Câu chuyện về kinh tế Trung Quốc, xu hướng giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cơn hoảng loạn khiến 5.000 tỷ USD vốn hóa bốc hơi khỏi chứng khoán toàn cầu đã che phủ gần như toàn bộ chương trình nghị sự. Phần lớn thời lượng đều dành để nghe các ý kiến đóng góp nhằm vực dậy nền kinh tế trên đà lao dốc của Trung Quốc. Nhất là câu chuyện Trung Quốc phá giá đồng NDT tiếp tục là đề tài bàn thảo của giới chức G20, hầu hết đều tỏ ra lo lắng về triển vọng kinh tế Trung Quốc và những ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Tuy rằng, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ đã khẳng định nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào một trạng thái “bình thường mới” và dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong vòng 4-5 năm tới. Hay như Thống đốc NHTW Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên và các quan chức nước này cố gắng tỏ ra tự tin để trấn an các quan chức G20, nhưng có vẻ những gì đang diễn ra thực tế của nền kinh tế Trung Quốc cũng như thị trường chứng khoán nước này vẫn chưa đủ sức tạo nên một niềm tin dù là mong manh đối với các Bộ trưởng G20 đồng thời cảnh báo việc dựa dẫm vào tỷ lệ lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng.

Trong một diễn biến khác, giới phân tích đang tỏ ra lo ngại về một thời kỳ giảm phát mới của nền kinh tế thế giới mà người ta gọi nó là làn sóng thứ ba, trước đó là thời kỳ giảm phát 2008 – 2009 khi cuộc khủng hoảng nhà đất và tài chính bắt nguồn từ Mỹ và cuộc khủng hoảng Khu vực sử dụng đồng EUR (Eurozone) năm 2011-2012.

Tuy rằng ở lần giảm phát này tính chất không bằng 2 lần trước nhưng cuộc khủng hoảng các thị trường mới nổi mà điển hình là Trung Quốc lại ít nhiều có đặc điểm của các cuộc khủng hoảng trước, đó là bắt đầu từ các thị trường ngoại hối, sau đó lan sang các thị trường khác.

Nhưng có một điểm khác là nếu như ở những lần trước đều xuất phát từ các thị trường lớn như Mỹ hay khu vực Euro thì lần này nó lại được xuất phát từ các nước mới nổi, nhưng lại có đóng góp GDP toàn cầu khá lớn. Nhất là gần đây, việc Trung Quốc giảm giá đồng NDT được dự báo sẽ rất khó để kích thích xuất khẩu, thậm chí là tác dụng ngược, tức là góp phần làm hạn chế xuất khẩu. Nhìn ở bình diện rộng hơn, chính việc giảm giá tiền tệ ở các quốc gia đang khiến hoạt động thương mại toàn cầu bị hạn chế đáng kể.

Trở lại với Hội nghị G20 cuối tuần trước, các Bộ trưởng Tài chính G20 thừa nhận, tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm hơn kỳ vọng, cho dù tăng trưởng đang ngày một vững tại một số nền kinh tế. Trong khi Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde cho rằng, kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với một thử thách lớn mang tên tăng trưởng yếu và không đồng đều.

Dù kinh tế thế giới đang tiếp tục có gam mầu xám, nhưng các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm đều cho rằng kinh tế thế giới sẽ sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo thị trường tài chính toàn cầu sẽ khó có thể ổn định nếu các nước tiếp tục phá giá đồng tiền. Vì vậy, cam kết của các Bộ trưởng tài chính G20 không áp dụng các biện pháp phá giá tiền tệ nhằm đem lại lợi thế không công bằng cho lĩnh vực xuất khẩu được xem như một “tia sáng” trong “bầu trời” kinh tế u ám hiện nay.


Diễn Đàn Doanh Nghiệp

ĐỌC THÊM