Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường tài chính thế giới: Niềm tin từ châu Á

Liệu đã đến lúc khu vực Đông Á mới nổi (trong đó có Việt Nam) ngừng các chính sách kích thích tài chính và tiền tệ khi kinh tế khu vực này hồi phục mạnh mẽ? Trong khi đó, tại Mỹ, cùng với các chính sách hỗ trợ thất nghiệp, dự thảo cải cách ngành tài chính sâu rộng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930 đã được ký thành luật. Tại bờ kia Đại Tây Dương, danh sách các ngân hàng bị “trượt” bài kiểm tra sức khoẻ đã được công bố, song chưa giúp xua bớt những nghi ngờ về khả năng thay đổi cục diện thị trường tài chính châu Âu.

Đã đến lúc ngừng các chính sách kích thích kinh tế?


Báo cáo theo dõi kinh tế châu Á (Asia Economic Monitor-AEM) của Ngân hàng Phát triển châu Á ra ngày 20/7 nhận định, sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á mới nổi đồng nghĩa với việc đã đến lúc ngừng các chính sách kích thích tài chính và tiền tệ ở khu vực này.

Trong báo cáo, ADB nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2010 đối với 14 nền kinh tế của Đông Á mới nổi từ mức 7,7% (hồi tháng 4) lên mức 8,1%. Mức dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực năm 2011 vẫn là 7,2%.

ADB đánh giá, nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà đạt tới tốc độ tăng trưởng mục tiêu là 6,5% trong năm nay. Các nước ASEAN dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay, sau đó tốc độ tăng chậm lại đôi chút trong năm 2011. Báo cáo nêu rõ: “Tại Inđônesia, Philippines, Việt Nam, việc ngừng chính sách kích thích kinh tế có thể cần khởi động sớm”.

Tại Mỹ, ngày 21/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức ký thành luật dự thảo cải cách ngành tài chính sâu rộng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo sự ổn định kinh tế tốt hơn. Đạo luật được xem là một bước ngoặt mang tính lịch sử, khi đánh giá lại toàn bộ các quy định trong hệ thống tài chính Mỹ.

Tiếp tục với bài toán thấy nghiệp, Mỹ sẽ dành 34 tỷ USD để gia hạn chương trình trợ cấp cho 2,5 triệu người Mỹ đang tìm việc khó khăn do ảnh hưởng của đợt suy thoái nặng nề và dai dẳng. Chương trình này vốn đã bị ngưng trệ từ cuối tháng 5 vừa qua.

Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại khoảng một năm trước, nhưng do tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, thị trường nhà đất vẫn ảm đạm và khu vực sản xuất tiếp tục sụt giảm, nên những lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kép gần đây đã tăng lên. Điều đó cũng đủ để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẵn sàng nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ nếu tình hình hồi phục kinh tế của nước này trở xấu, Chủ tịch FED Ben Bernanke cho biết hôm 21/4.

Chủ tịch FED cho hay, cơ quan này vẫn kỳ vọng vào đà phục hồi dần dần trong vài năm tới, nhưng thừa nhận rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế hiện không chắc chắn, trong khi thị trường việc làm có khả năng hồi phục chậm hơn dự đoán.         

Sức khoẻ các đại gia ngân hàng Mỹ

Dư âm của cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn đó khi 10 ngân hàng Mỹ bị sập tiệm trong hai tuần đầu tháng 7/2010 đã đưa tổng số ngân hàng bị phá sản từ đầu năm đến nay lên 96 và số tiền bảo hiểm tiền gửi liên bang cho những ngân hàng này lên tới gần 11,7 tỷ USD.

Ở bờ kia Đại Tây Dương, Ủy ban Giám sát ngân hàng châu Âu (CEBS) vừa công bố kết quả cuộc tổng kiểm tra sức khỏe đối với 91 nhà băng lớn tại 20 quốc gia thành viên.

Là nước có số lượng ngân hàng lớn nhất (26) tham gia cuộc sát hạch do CEBS tổ chức, Tây Ban Nha đóng góp tới 5 đại diện trong danh sách ngân hàng yếu kém tại châu Âu là Diada, Espiga, Bianca Civica, Unnim và Cajasur. 2 cái tên còn lại đến từ Đức (Hypo Real Estate) và Hy Lạp (ATEBank).

Việc chỉ có 7 trong số 91 ngân hàng tham gia “trượt” được giới phân tích đánh giá là tương đối khả quan đối với hệ thống tín dụng châu Âu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra lo ngại rằng các biện pháp đánh giá được đưa ra vẫn chưa đủ mạnh. Trong khi đó, CEBS tạm thời vẫn chưa thể đưa ra hướng giải quyết đối với các ngân hàng bị liệt vào “danh sách đen”.

Cuối cùng, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng rút ra được 3 bài học lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính. Sau gần 3 năm kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngày 20-7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo nhan đề "Bài học đối với các Ngân hàng Trung ương từ cuộc khủng hoảng", trong đó nhấn mạnh 3 bài học quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách để tránh nguy cơ sa trở lại vào khủng hoảng.

Thứ nhất, IMF tin rằng ổn định tài chính nên tập trung vào việc duy trì sử dụng những chính sách thận trọng vĩ mô nhằm tìm kiếm sự đảm bảo ổn định tài chính bằng cách giảm thiểu sự tích tụ các nguy cơ mang tính hệ thống. Các công cụ thận trọng vĩ mô bao gồm các đòi hỏi về vốn và vật đệm, khả năng dự báo thất thoát, khả năng thanh toán tiền mặt...

Thứ hai, IMF khẳng định rằng ổn định giá nên tiếp tục là mục tiêu chủ đạo của chính sách tiền tệ. Báo cáo cho biết "Ngân hàng trung ương phải duy trì sự ổn định về lòng tin đối với ổn định về giá mà họ có được trước khi xảy ra khủng hoảng và lòng tin này phải được bảo vệ. Việc kiểm soát và phân tích diễn biến và rủi ro của hệ thống tài chính có thể hòa nhập tốt hơn trong việc hình thành thực thi chính sách tiền tệ".

Thứ ba, IMF tin rằng việc ngân hàng trung ương cần có những thay đổi đối với hoạt động tiền mặt và cơ cấu quản lý khủng hoảng. Theo cơ quan này, "thay đổi để tăng cường sự linh hoạt trong cơ cấu tổ chức của các hoạt động của ngân hàng trung ương sẽ cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống".

Trong khi đó Trung Quốc đang đối diện với bài toán hạ nhiệt tăng trưởng. Nước này từng thiết lập mục tiêu tăng trưởng hằng năm cho năm 2010 chỉ quanh 8%, nhưng kết quả thực tế lại vượt xa mức này. Cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho hay kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 10,3% trong quý 2, chậm hơn so với kết quả 11,9% trong quý đầu tiên, nhưng vẫn cao hơn so với mức mục tiêu.

Kinh tế tại châu Phi lại phát đi những tín hiệu tích cực. Phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh châu Phi-Singapore ở Singapore, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách về châu Phi, Obiageli Ezekwesili, lạc quan khẳng định châu Phi đang bên bờ một cuộc bùng nổ kinh tế như Ấn Độ 20 năm trước hoặc Trung Quốc 30 năm trước đây. Những thành công vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu của châu Phi đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng của các nước châu Á đối với các cơ hội đang mở ra ở châu Phi.

Nguồn: stockbiz

ĐỌC THÊM