Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Venezuela có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng?

Giá năng lượng tăng vọt do Nga xâm lược Ukraine và sản lượng toàn cầu sụt giảm đã khiến sự tập trung quay trở lại với Venezuela, một thành viên OPEC từng là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn và nắm giữ trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.

Các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Hoa Kỳ đã đưa Venezuela ra khỏi thị trường vốn và năng lượng toàn cầu một cách hiệu quả, không chỉ đẩy nhanh cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo của đất nước đang bị tàn phá mà còn tác động đến nguồn cung dầu thô toàn cầu. Quốc gia gần như sụp đổ này được những người trong ngành dầu mỏ và các nhà phân tích coi là giải pháp cho nguồn cung xăng dầu toàn cầu ngày càng thắt chặt hơn, bất chấp sản lượng xăng dầu của Venezuela đã sụt giảm xuống dưới 2 triệu thùng mỗi ngày kể từ năm 2017. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô ở Bắc Mỹ càng trở nên nghiêm trọng khi Tổng thống Joe Biden quyết định cấm nhập khẩu dầu của Nga như một phần trong phản ứng toàn diện của Washington đối với quyết định xâm lược Ukraine của Điện Kremlin. Lệnh cấm đó, đã được Quốc hội thông qua vào tháng 4 năm 2022, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ đã loại bỏ khoảng 200.000 thùng dầu thô mỗi ngày ra khỏi nguồn cung năng lượng của Hoa Kỳ.

Giá dầu tăng là động lực chính khiến lạm phát Mỹ tăng vọt, đạt mức cao nhất trong 41 năm ở mức 8,5% vào tháng 3 năm 2022, gây ra rủi ro đáng kể cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tác động của lạm phát cao hơn trở nên rõ ràng khi dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội quý đầu tiên năm 2022 của Hoa Kỳ được công bố với GDP trong giai đoạn này bất ngờ giảm 1,4%, càng làm tăng thêm lo ngại về một cuộc suy thoái đang rình rập. Giá dầu toàn cầu tăng vọt là nguyên nhân chính của đợt lạm phát gần đây khi giá dầu Brent chuẩn quốc tế tăng 68,5% so với năm ngoái. Ngoài cuộc chiến ở Ukraine, điều này có thể là do thiếu đầu tư vào ngành dầu mỏ và hoạt động khoan sau khi giá dầu sụp đổ vào tháng 8 năm 2014, vốn trở nên tồi tệ hơn với cuộc chiến giá giữa Nga với Ả Rập Xê-út hồi tháng 3 năm 2020 và đại dịch COVID-19. Nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vẫn bị hạn chế trong một thời gian tới, có nghĩa là giá xăng dầu vẫn sẽ ở mức cao, ít nhất là trong tương lai gần. Ngay cả các thành viên của OPEC+, bao gồm sáu trong số 10 quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới, cũng đang chật vật để thúc đẩy sản lượng đạt được hạn ngạch đã nhất trí.

Giá dầu tăng cao đang khiến người tiêu dùng Mỹ phải chịu nhiều thiệt thòi. Theo EIA, giá xăng của Mỹ gần đây đã đạt mức cao kỷ lục 4,59 USD/gallon. Điều đó cùng với giá cả các hàng hóa và dịch vụ khác tăng cao lên đang gây áp lực đáng kể lên chính quyền Biden và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của Mỹ. Do đó, Biden tuyên bố ông sẽ ưu tiên chống lạm phát. Chìa khóa để giảm lạm phát sẽ là hạ nhiệt giá nhiên liệu trong nước bằng cách mở rộng nguồn cung dầu thô của Mỹ. Đầu tháng 3 năm 2022, Nhà Trắng đã cử một phái đoàn chính thức đến Venezuela với mục tiêu bắt đầu đối thoại với chế độ Maduro. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên như vậy với chính phủ chuyên quyền ở Caracas kể từ khi Đại sứ quán Hoa Kỳ rời Venezuela vào tháng 1 năm 2019, chuyển đến nước láng giềng Colombia. Nhiều người coi đây như một nỗ lực bất cần đạo lý nhằm đảm bảo nguồn cung dầu thô bổ sung từ Caracas để đổi lấy việc Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt vốn đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nhà nước Venezuela.

Tuy nhiên, phía Nhà Trắng phủ nhận điều này, tuyên bố rằng phái đoàn ngoại giao nhằm mục đích làm giảm ảnh hưởng của Nga ở Venezuela như một phần của chiến lược lớn hơn nhằm kiềm chế Điện Kremlin ở Mỹ Latinh sau cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin. Washington cho rằng các đồng minh của Điện Kremlin ở Mỹ Latinh, gồm Venezuela, Cuba và Nicaragua, có thể trở thành mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nếu sự đối đầu với Nga trở nên tồi tệ. Nhà Trắng tuyên bố rằng nhiệm vụ có liên quan đến việc đảm bảo rằng đối thoại với chế độ Maduro vẫn cởi mở và đảm bảo việc trả tự do cho các công dân Hoa Kỳ bị giam giữ bất hợp pháp ở Venezuela, cụ thể là CITGO-6. Đặc phái viên tháng 3 năm 2022 đã có thể đảm bảo việc thả một trong những CITGO-6, Gustavo Cardenas, và một người Mỹ khác, Jorge Fernandez, người đã bị giam giữ vì những vấn đề không liên quan.

Trong một tuyên bố gần đây, chính quyền Biden cho biết sẽ bắt đầu nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đối với Venezuela để xây dựng mối quan hệ tích cực với Venezuela của Maduro. Theo các quan chức Nhà Trắng, bước đầu tiên sẽ là cho phép tập đoàn năng lượng toàn cầu Chevron, công ty dầu mỏ duy nhất của Mỹ còn hoạt động tại Venezuela, đàm phán các thỏa thuận với công ty dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA. Sự thay đổi về yêu cầu đó không cho phép Chevron ký kết các thỏa thuận với PDVSA, có nghĩa là tập đoàn dầu mỏ này chỉ có thể bắt đầu các cuộc thảo luận và thương lượng với công ty dầu khí do chính phủ Venezuela điều hành. Các hạn chế ngăn cản Chevron sản xuất và xuất khẩu xăng dầu của Venezuela sẽ vẫn được áp dụng.

Liệu sự thay đổi nhỏ đó có mang lại bất kỳ thay đổi có ý nghĩa nào đối với tình hình ở Venezuela, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo sâu rộng đang nhấn chìm thành viên OPEC này hay không, là một điều đáng ngờ. Lập trường của Chevron về các hoạt động ở Venezuela hiện vẫn không thay đổi. Ray Fohr, cố vấn đối ngoại của tập đoàn năng lượng này đã tuyên bố:

“Chúng tôi tiếp tục tiến hành hoạt động kinh doanh của mình tuân theo khung Giấy phép hiện tại do Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài Hoa Kỳ (OFAC) cấp. Chúng tôi hiện diện mang tính xây dựng ở Venezuela, nơi chúng tôi có các khoản đầu tư và lực lượng lao động lớn phụ thuộc vào sự hiện diện của mình. Chúng tôi vẫn cam kết về sự an toàn và phúc lợi của nhân viên và gia đình của họ, tính toàn vẹn cho tài sản liên doanh của chúng tôi cũng như các chương trình xã hội và nhân đạo của công ty trong thời gian đầy thử thách này”.

Sự hiện diện lâu dài của Chevron ở Venezuela, chứng tỏ khả năng của công ty trong việc duy trì mối quan hệ hợp tác tích cực với PDVSA và chế độ Maduro, mang lại cho Washington một đòn bẩy mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán với Caracas. Công ty dầu khí này là một trong số ít các công ty dầu mỏ phương Tây sở hữu vốn, công nghệ và lao động lành nghề cần thiết khẩn cấp để xây dựng lại cơ sở hạ tầng năng lượng đang bị xuống cấp của Venezuela. Để khôi phục nền kinh tế đang đổ nát của Venezuela, ngành dầu khí đang sụp đổ của nước này, vốn là xương sống của nền kinh tế cần phải được xây dựng lại. Điều đó sẽ đòi hỏi một lượng vốn khổng lồ, ước tính lên tới 250 tỷ USD, và mất vài năm trước khi sản lượng dầu thô vượt 2 triệu thùng/ngày, sản lượng chưa từng thấy kể từ năm 2017. Nhà Trắng cũng có ý định loại bỏ cựu quan chức cấp cao của PDVSA Carlos Erik Malpica-Flores, cháu của vợ Maduro ra khỏi danh sách các cá nhân Venezuela bị trừng phạt.

Những biện pháp mà chính quyền Biden kỳ vọng sẽ thúc đẩy Maduro tiếp tục đối thoại cởi mở với Washington, với việc Nhà Trắng chú ý đến những nhượng bộ thêm từ Caracas và trả tự do cho nhiều người Mỹ bị giam giữ ở Venezuela. Những thay đổi nhỏ như vậy đối với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Hoa Kỳ vốn đã góp phần làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế nghiêm trọng của Venezuela sẽ không làm giảm bớt được những thảm họa đó. Những nhượng bộ nhỏ của Washington cũng sẽ không cho phép PDVSA có được vốn, lao động và các bộ phận cần thiết để xây dựng lại cơ sở hạ tầng dầu đã đổ nát của hãng. Điều đó có nghĩa là sẽ không có sự gia tăng đáng kể trong sản lượng dầu thô của Venezuela, chỉ đạt trung bình 555.000 thùng/ngày vào năm 2021, so với hơn 3 triệu thùng trước khi Chavez nhậm chức tổng thống vào tháng 2/1999.

Theo Washington, bất kỳ việc nới lỏng thêm nào cho các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Hoa Kỳ đều phụ thuộc vào việc chế độ Maduro nối lại các cuộc đàm phán với phe đối lập Venezuela được Hoa Kỳ công nhận. Sẽ có những thay đổi đáng kể đối với các lệnh trừng phạt hiện tại trước khi các công ty năng lượng phương Tây sẵn sàng chịu rủi ro khi đầu tư vào Venezuela. Điều đó sẽ bao gồm việc cho phép bán dầu thô của Venezuela và chuyển vốn về nước mà không sợ bị Washington trừng phạt. Để điều đó xảy ra, Maduro phải nhượng bộ đáng kể đối với phe đối lập do Hoa Kỳ hậu thuẫn và cam kết thực hiện các cải cách dân chủ đáng kể, chìa khóa là cuộc bầu cử tổng thống tự do và dân chủ vào năm 2024, điều này dường như không thể xảy ra vào thời điểm này. Điều đó có nghĩa là sản lượng dầu của Venezuela sẽ vẫn bị mắc kẹt ở mức hiện tại khoảng 700.000 thùng mỗi ngày, và Mỹ sẽ không thể trông chờ vào thành viên OPEC này cho dầu thô nhập khẩu.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM