Thứ Sáu tuần trước các giám đốc điều hành của các công ty dầu mỏ lớn đã kêu gọi OPEC gia hạn việc cắt giảm sản lượng sau tháng 3 năm tới, cho rằng “tính biến động mạnh mẽ” trong thị trường năng lượng có nghĩa là OPEC cần phải nỗ lực thiết lập một mức sàn cho giá dầu là cấp thiết.
Các thành viên của OPEC được cho là đang hình thành sự nhất trí trong việc gia hạn thảo thuận cắt giảm sản lượng với các nhà xuất khẩu dầu thô khác thêm chín tháng. Điều đó sẽ kéo dài thời gian thỏa thuận giữa OPEC, Nga và các quốc gia sản xuất dầu khác để duy trì cắt giảm 1,8 triệu thùng mỗi ngày trong suốt năm tới.
Các nhà xuất khẩu đạt thỏa thuận vào tháng 12 năm ngoái và đã mở rộng thỏa thuận này một lần cho đến tháng 3 năm 2018.
Khi được hỏi liệu OPEC sẽ cần kéo dài thời gian thỏa thuận sau tháng 3 năm tới, CEO Total Patrick Pouyanne nói với CNBC, "Tất nhiên họ cần nó".
Ông nói thêm "sự biến động rất lớn trên thị trường" đã nhấn mạnh hơn đến sự ổn định và "tầm nhìn" của các quan chức OPEC. Pouyanne cũng cho biết giá dầu có vẻ đang tăng lên do tầm nhìn xa của OPEC và các quan chức không thuộc OPEC trong những tuần gần đây.
OPEC được rất nhiều đồn đoán cho rằng sẽ hoãn thông báo về việc gia hạn cắt giảm trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 11. Thay vào đó, các nhà đầu tư đang hướng đến tháng 3 năm 2018 cho một quyết định cuối cùng.
"Tốt hơn là giữ một chính sách ổn định và tôi nghĩ rằng thỏa thuận OPEC và ngoài OPEC đang hoạt động hiệu quả và cần tiếp tục," Pouyanne nói.
Phát biểu bên lề hội nghị Oil and Gas Climate Initiative (OGCI) giám đốc BP Bob Dudley đã nhắc lại những lập luận của người đồng cấp của công ty Total và nói rằng "có thể" OPEC sẽ mở rộng thỏa thuận vào năm tới.
"Tôi đã nghe những gì Patrick (Pouyanne) đã nói về sự biến động của dầu và các yếu tố ở đây và tôi hoàn toàn đồng ý với ông ấy ... Tôi nghĩ rằng đây là thế giới chúng ta đang sống."
Giá dầu sụt giảm từ gần 120 USD một thùng vào tháng 6 năm 2014 do nhu cầu suy yếu, đồng USD mạnh lên và sản lượng đá phiến của Mỹ bùng nổ. Sự miễn cưỡng của OPEC trong việc cắt giảm sản lượng cũng được coi là một lý do chính đằng sau sự sụp đổ này. Tuy nhiên, OPEC đã nhanh chóng chuyển hướng sang hạn chế sản xuất - cùng với các quốc gia sản xuất dầu khác - vào cuối năm 2016.
Giám đốc điều hành của ENI, ông Claudio Descalzi nói với CNBC hôm thứ Sáu rằng: “Tôi nghĩ rằng OPEC cần duy trì vị thế này ... Không chỉ để cân bằng nhu cầu mà còn đảm bảo cho tất cả các nhà đầu tư.”
Descalzi cho biết các nhà đầu tư cần biết rằng OPEC và các nước không thuộc OPEC sẽ tiếp tục "có khả năng tương tác tích cực với thị trường để cân bằng cung và cầu" trong dài hạn.
Descalzi kết luận: "Chúng ta cần sự ổn định và OPEC thực sự quan trọng" để đạt được điều này sau tháng 3 năm sau.
OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gần đây đã báo cáo rằng nhu cầu tiêu thụ đã được cải thiện, mặc dù IEA đã tăng mối quan ngại về tăng trưởng tiêu thụ trong tương lai trong báo cáo gần đây nhất.
OGCI, mà Saudi Aramco, BP, ENI và Total đã tham gia là một hội nghị doanh nghiệp nhằm mục đích dẫn dắt ngành công nghiệp này ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm 2016, 10 công ty dầu khí lớn ký kết với OGCI và cho biết họ đã thành lập một quỹ trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ phát triển công nghệ mới nhằm chống lại phát thải khí nhà kính.
Cam kết đầu tư 1 tỷ USD trong thập kỷ tiếp theo sẽ được áp dụng cho công nghệ khai thác, sử dụng và tích trữ cacbon cũng như giảm phát thải khí mê-tan. OGCI không bao gồm việc hỗ trợ cho năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió.
Nguồn: xagdau.net/CNBC