ác nước xuất khẩu dầu mỏ là thành viên và không thành viên của tổ chức OPEC đã đi đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô cho đến cuối năm 2018 vào ngày 30-11-2017 tại Vienna (Áo).
Với quyết định này, các nước thành viên (OPEC) do Ảrập Saudi đứng đầu và không thành viên (non-OPEC) được Nga làm đại diện đã đồng ý giảm khai thác dầu thô đến mức 1,8 triệu thùng mỗi ngày nhằm hạ lượng tồn kho dầu thô hàng thực trên thế giới, nhờ đó mà hy vọng giá dầu thô được giữ vững và nâng lên.
Phản ứng tức thời của thị trường: thờ ơ!
Thật ra, một kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mỏ do Nga chủ động đề xướng với OPEC đã và đang được thực hiện tính từ tháng 1-2017 đến tháng 3-2018. Thỏa thuận vừa qua chỉ là một “phụ lục” mà các bên cam kết thêm thời gian hạn chế khai thác để nâng giá dầu vốn quá thấp làm điêu đứng các nước sống chủ yếu nhờ xuất khẩu dầu mỏ.
Nếu như trước và sau ngày đạt thêm thỏa thuận kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng, giá dầu Brent được giao dịch tại Anh quanh mức 64-65 đô la Mỹ/thùng và WTI (West Texas Intermediate) giao dịch ở Mỹ chừng 58-59 đô la/thùng thì ngày cuối tuần 1-12-2017 dầu Brent chốt mức 63,62 đô la và WTI ở 58,3 đô la mỗi thùng.
Giá dầu mỏ từ năm 2008 đến nay trải qua nhiều thăng trầm, đã có lúc tột đỉnh huy hoàng khi hai sàn kỳ hạn đạt 140 đô la Mỹ/thùng vào giữa năm 2008. Đến đầu năm 2011 giá kỳ hạn dầu mỏ dịu dần với Brent ở mức 126 và WTI ở mức 114 đô la Mỹ. Tuy nhiên, giá dầu lên cao đã kích thích nền sản xuất dầu mỏ của Mỹ phát triển công nghệ khai thác dầu thô ép từ đá phiến.
Trong thời kỳ giá tăng từ 60-80 đô la Mỹ mỗi thùng, ngành dầu mỏ Mỹ đã mở nhiều giếng khoan, trong đó công nghệ đá phiến được ứng dụng khắp nơi, làm số lượng giếng khai thác tăng hàng tuần từ 1.300-1.600 giếng. Giá dầu sụp đã “đậy miệng” cả ngàn giếng vì... giá thị trường thấp hơn giá thành khai thác (xem hình bên dưới - đường màu đỏ biểu thị lượng giếng khai thác và đường màu xanh biểu thị giá kỳ hạn dầu WTI).
Sau thời gian gần một năm cắt giảm lượng dầu thô ra thị trường, đến nay giá dầu WTI đang về ngưỡng 60 đô la Mỹ/thùng. Đây cũng là mức dự đoán của giới phân tích ngành hàng quan trọng này cho cuối năm 2017.
Đẩy giá lên cao, liệu đã sao!
Như vậy, mức 60 đô la Mỹ mỗi thùng có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với người tiêu thụ mà còn với nhà sản xuất. Chắc chắn các nước tham gia kế hoạch giảm khai thác dầu mỏ phải tính đến độ chi tiết và tối ưu để sao cho giá dầu mỏ không làm sống lại các mỏ dầu khai thác theo công nghệ “ép đá phiến”.
Thị trường tin rằng thế giới sẽ không còn bị cú sốc về giá như những năm trước đây nữa vì nếu như “liên minh” dầu mỏ cố đẩy giá lên 80 đô la Mỹ/thùng thì chính là lấy “gậy ông đập lưng ông”.
Đó là chưa nói đến nhiều tác động khác trong và ngoài thị trường. Đợt tăng giá dầu thô từ giữa năm 2017 đến nay chưa chắc chỉ do tác động đơn độc của việc thực hiện hạn chế khai thác dầu thô. Trên thị trường, tồn kho hàng thực là một chuyện, tồn kho “hàng giấy” tức lượng dư mua của lực lượng đầu tư tài chính của hai sàn kỳ hạn lại là chuyện khác. Thống kê từ hai sàn kỳ hạn dầu thô cho biết tính đến 21-11-2017, giới đầu cơ đang ghim một khối lượng dư mua rất lớn, cận mức kỷ lục là 870 triệu thùng gồm sàn giao dịch dầu Brent 526,2 triệu thùng và WTI 343,8 triệu thùng.
Thị trường hiểu rất rõ rằng không chóng thì chầy các quỹ đầu tư tài chính cần phải giải phóng lượng dư mua khổng lồ này và giá dầu thô phải rớt. Vấn đề còn lại là thời gian. Liệu giá kỳ hạn dầu thô sẽ bị áp lực bán theo các đợt tăng lãi suất đồng đô la Mỹ như giá dầu giảm thê thảm khi trữ lượng hàng hóa này bị ép hút từ đá phiến?
Mặt khác, trước đây, cứ tưởng dầu thô là loại hàng hóa năng lượng không thể thay thế vì càng khai thác, trữ lượng càng “teo”, thì trong những năm tháng giá cao, do thái độ “sang chảnh” của người có hàng, đặc biệt lo sợ phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, nhiều nước tiêu thụ dầu mỏ đã tập trung nghiên cứu các loại năng lượng thay thế. Ngay cả trong nội bộ nhiều tập đoàn khai thác dầu khí như Total (Pháp) chẳng hạn, họ phân chia thành hai bộ phận, một nửa tiếp tục khai thác dầu như bình thường, nửa kia tìm hướng và phát triển năng lượng thay thế.
Đường xa không còn lo “khát” dầu
Như vậy, về giá mà nói, đường gần không ngại, đường xa cũng chẳng gì phải lo. Chính phủ Na Uy mới đây quyết định buông cổ phiếu dầu thô có giá trị đến cả ngàn tỉ đô la Mỹ. Chỉ cần động tác bán cổ phiếu ra để thu tiền về, không lẽ giá dầu thô không bị ảnh hưởng?
Ngoài ra các ngành công nghiệp, như ngành sản xuất ô tô, đang tranh thủ từng ngày tìm cách thay máy xe chạy xăng dầu sang chạy điện.
Tại bang California (Mỹ), chính quyền sở tại đang triển khai đặt các trạm cung cấp năng lượng điện cho các phương tiện vận tải tại các chung cư như là một yêu cầu bắt buộc để giảm lượng khí thải hiệu ứng nhà kính. Nghe rằng đến nay cả bang này mới có 340.000 phương tiện chạy bằng năng lượng điện, nhưng chỉ tiêu đến năm 2025 là 1,5 triệu xe đạt chất lượng không thải khí.
Hãng Shell vừa ký hợp đồng với các hãng sản xuất ô tô gồm BMW, Daimler, Ford và Volkswagen thành lập một liên doanh có tên là IONITY đặt trụ sở tại Đức nhằm cung cấp các trạm sạc điện siêu tốc tại các trạm xăng dầu của Shell trên toàn châu Âu. Trong khi đó, hãng xe BMW chi 200 triệu euro để nghiên cứu phát triển pin năng lượng sạch thay thế cho xăng dầu với chỉ tiêu cho thời gian tung ra thị trường vào năm 2021.
Singapore thông báo đã lập trung tâm chạy thử ô tô năng lượng sạch và thay thế.
Dĩ nhiên, kỷ nguyên công nghiệp dựa trên dầu mỏ chưa thể chấm dứt ngày một ngày hai. Nhưng tương lai của nền công nghiệp năng lượng sạch đã được trông thấy ở phía chân trời.
Việt Nam đang nóng lòng có một nền công nghiệp sản xuất ô tô cho riêng mình. Chắc chắn doanh nghiệp dấn thân đang đứng ở ngay ngã rẽ. Khó nhất là phải chọn lựa giữa công nghệ hiện đại nhất đời cuối hay thô sơ, đắt đỏ đời đầu!.
Nguồn tin: antt.vn