Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Indonesia trước khả năng phải nhập khẩu khí đốt

Indonesia là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu khí trên thế giới, tuy nhiên hiện nay tốc độ tiêu thụ trong nước ngày càng tăng và sản xuất suy giảm khiến tình trạng thiếu khí đốt của nước này ngày càng trầm trọng. Xung quanh vấn đề này, trên Báo Jakarta Post, chuyên gia tư vấn dầu khí độc lập của Indonesia là Yusak Setiawan đã phân tích và so sánh những lợi thế và bất lợi của hai giải pháp mà các nhà hoạch định chính sách dầu khí của Indonesia đưa ra để giải quyết tình trạng này, trong đó có giải pháp nhập khẩu khí đốt vào năm 2019.

Theo một quan chức cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Indonesia Pertamina (Báo Jakarta Post, số ngày 8-2-2017), Indonesia sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt vào khoảng 500 triệu ft3 (1m3 = 35,3ft3) mỗi ngày trong năm 2019 và con số này sẽ tăng lên đến 10 tỉ ft3 vào năm 2030.

Hiện các nhà hoạch định chính sách dầu khí của Indonesia đã đưa ra hai phương án để đối phó với tình trạng này. Một là tiến hành nhập khẩu khí đốt để bù đắp sự thiếu hụt và hai là phục hồi và phát triển lĩnh vực khai thác khí đốt trong nước. 

Nhân viên của Pertamina kiểm tra một đường ống dẫn khí trên đất liền tại Porong, Sidoarjo, đông Java

Theo Công ty Tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, trong năm 2015, giá khí đốt kỳ hạn tại Indonesia dao động 8-10USD/ft3. Con số này nếu đem ra so sánh với các nước láng giềng của Indonesia như Malaysia là 9USD/ft3 và Singapore là 4USD/ft3. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Indonesia (Pertamina) ước tính quốc gia này cần 70-80 tỉ USD từ nay đến năm 2030 để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, sản xuất khí đốt.

Thoạt nhìn, một số người sẽ cho rằng, việc nhập khẩu khí đốt sẽ là giải pháp phù hợp hơn bởi giá khí đốt của thị trường một số quốc gia trong khu vực thấp hơn so với giá khí đốt tại Indonesia. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng không phải đổ tiền vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng liên quan đến khí đốt tốn kém.

Tuy nhiên, đi sâu vào chi tiết và cân nhắc đến nhiều yếu tố từ giá cả đến an ninh năng lượng của một quốc gia cho thấy giải pháp thứ hai mang lại nhiều lợi ích hơn cho Indonesia.

Giả sử giá khí đốt nhập khẩu là 4USD/ft3 thì trong thực tế chính phủ sẽ phải trả các chi phí liên quan đến việc hóa lỏng khí tự nhiên và chi phí vận chuyển. Hơn nữa, về lâu dài các cơ sở chế biến khí hóa lỏng trong nước sẽ phải tăng các bể chứa, kho bãi để bảo quản khí nhập khẩu và do đó giá thành sẽ vượt xa nhiều so với con số là 4USD/ft3.

Xét đến giải pháp thứ hai, đầu tiên là về mức giá trung bình là 9USD/ft3 đã bao gồm giá thực tế khi đưa ra khỏi miệng giếng (vào khoảng 4USD) và chi phí vận chuyển khí đến với tay người tiêu dùng là 5USD (trong đó đã bao gồm cả chi phí hóa lỏng khí đốt). Với mức giá tại miệng giếng là 4USD/ft3, theo hợp đồng phân chia sản phẩm thì chính phủ được hưởng lợi từ việc nắm giữ lợi tức cho đến các loại thuế. Đối với mức giá chi phí 5USD còn lại, người dân Indonesia sẽ được hưởng lợi chủ yếu bởi việc thúc đẩy sản xuất trong nước sẽ góp phần tạo ra công ăn việc làm, sử dụng các sản phẩm cũng như dịch vụ nội địa cũng góp phần tăng doanh thu cho các doanh nghiệp có liên quan.

Đối với việc sử dụng ngân sách phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến khí đốt, tác giả đặt câu hỏi liệu Chính phủ Indonesia có sẵn sàng chi số tiền từ 70-80 tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng? Câu trả lời là không, bởi vì chi phí cho cơ sở hạ tầng sẽ đến từ mỗi dự án riêng lẻ và được nhà thầu tài trợ.

Dựa trên kết quả đánh giá giá trị thương mại của nguồn tài nguyên khí đốt đã được phát hiện ở khu vực phía đông quần đảo Natuna của Indonesia, có thể thấy rằng, mỗi đơn vị khí đốt nhập khẩu nếu có giá từ 1,6USD/ft3 trở lên thì việc nhập khẩu khí đốt sẽ gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Indonesia.

Tóm lại, đẩy mạnh phục hồi và thúc đẩy sản xuất khí đốt trong nước nhằm bù đắp thiếu hụt có thể xảy ra trong tương lai là cách tốt nhất hiện nay để Indonesia chuẩn bị đối phó với tình trạng thiếu hụt khí đốt vào năm 2019, vì một vài lý do sau đây:

Thứ nhất, thúc đẩy sản xuất trong nước mang lại giá trị thương mại lớn hơn so với nhập khẩu khí đốt. Thứ hai, nhiên liệu nhập khẩu “chi phí thấp” có một giá trị âm tính với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia so với nhiên liệu sản xuất trong nước. Và điều quan trọng hơn cả là mỗi quốc gia cần phải tính đến việc phát triển nguồn khí đốt riêng của mình, vừa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, hướng đến xuất khẩu và đặc biệt là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Việc thúc đẩy sản xuất khí đốt trong nước sẽ giảm khả năng Indonesia bị thị trường khí đốt thế giới tác động do biến động giá cả. Kể cả khi giá khí đốt trên thị trường thế giới giảm sâu thì sản xuất trong nước vẫn có thể tự điều tiết để đảm bảo ổn định nguồn cung phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người dân, đồng thời giúp vực dậy và phát triển ngành công nghiệp khí đốt vốn rất giàu tiềm năng tại Indonesia.

Nguồn tin: Petrotimes

ĐỌC THÊM