Theo giới phân tích thuộc Goldman Sachs nhận định Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu thế giới OPEC cắt giảm sản lượng khai thác được coi là bước đi thông minh, tuy nhiên động thái này lại có một một số tác động không thể lường trước được.
Tháng Mười Hai năm ngoái, một số nước thành viên OPEC và ngoài OPEC đã ký hiệp định cắt giảm sản lượng nhằm khắc phục tình trạng dầu thừa trên thị trường. Đây là một bước tiến quan trọng kể từ đợt khủng hoảng năm 2014 gây ra bởi cuộc chiến dầu khí giữa OPEC và Mỹ.
Việc lượng cung vượt quá cầu dẫn đến hiện tượng "contango" trên thị trường dầu. Theo đó, giá dầu kỳ hạn cao hơn so với giá dầu giao ngay, đồng nghĩa với việc, các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn cho dầu tương lai hơn là hiện tại.
Bà Michele Della Vigna cho biết việc trữ lượng dầu tăng đã đẩy mức chênh lệch giữa giá dầu Brent kỳ hạn 2 năm cao hơn tới 5,5 USD/thùng (tương đương 11%) so với giá dầu giao ngay.
Điều này kích thích các công ty khai thác và xuất khẩu Mỹ tăng cường các hợp đồng kỳ hạn với hơn 50% sản lượng khai thác được bán ra trong khi OPEC lại tập trung vào các hợp đồng giao ngay. Động thái trên đã tạo lợi thế cạnh tranh cho Mỹ.
Chỉ một tháng sau tuyên bố của OPEC về việc cắt giảm sản lượng, mức chênh lệch giữa giá dầu kỳ hạn và giá giá dầu giao ngay giảm xuống chỉ còn 1,1 USD. Nói cách khác, cam kết cắt giảm của OPEC đã phát huy tác dụng như mong muốn khi đẩy giá dầu lên cao. Trong khi đó, các nhà đầu tư tiếp tục mua trái phiếu năng lượng với lợi tức cao để hỗ trợ các nhà khai thác, xuất khẩu dầu khí Mỹ.
Thế nhưng, theo Neil Shearing, chuyên gia về các thị trường mới nổi tại Capital Economics nhận định thỏa thuận cắt giảm của OPEC lại nảy sinh một số tác động không muốn khi tăng trưởng GDP của các nước vùng Vịnh năm 2017 bị chững lại, giảm xuống còn 1,5%, mức thấp nhất trong 8 năm.
Năm ngoái, các nước thành viên OPEC và ngoài OPEC trong đó có Nga cam kết cắt giảm khoảng 1,8 triệu thùng/ngày trong sáu tháng đầu năm 2017 xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày. Trong đó, OPEC đăng ký cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày và khoảng 600.000 thùng/ngày đối với các nước ngoài OPEC.
Với tình hình trữ lượng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng như hiện nay, OPEC bày tỏ muốn kéo dài cam kết cắt giảm sản lượng khai thác qua tháng Sáu nhằm cân bằng thị trường song song với việc yêu cầu các nước ngoài OPEC tăng cường nỗ lực tuân thủ cam kết.
Nguồn tin: Ndh