Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

OPEC+ đang hướng tới mục tiêu lâu dài

Cuộc họp mới đây của OPEC+ không tạo ra bất ngờ nào, với việc nhóm này nhắc lại quyết định duy trì sản lượng ở mức hiện tại trong ít nhất hai tháng nữa.

Như mọi khi, các báo cáo trước cuộc họp của OPEC đưa ra thông tin trái ngược nhau, trong đó đáng chú ý nhất lần này là một bài báo của WSJ dẫn lời các đại biểu của OPEC nói rằng nhóm đang xem xét thảo luận về việc tăng sản lượng.

Ả Rập Xê Út và các nước khác đã nhanh chóng phủ nhận báo cáo này, khi Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê Út tuyên bố một cách chắc chắn rằng “Việc cắt giảm 2 triệu thùng mỗi ngày hiện tại của OPEC+ sẽ tiếp tục cho đến cuối năm 2023 và nếu cần thực hiện các biện pháp tiếp theo bằng cách giảm sản xuất để cân bằng cung và cầu, chúng tôi luôn sẵn sàng can thiệp.”

Sau đó, có những báo cáo về khả năng cắt giảm sản lượng sâu hơn khi giá dầu vẫn còn thấp do suy thoái toàn cầu, đặc biệt là ở một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất.

Tuy nhiên, cuối cùng, OPEC đã làm như những gì họ nói, bám sát mức sản xuất hiện tại của nhóm và quan sát những diễn biến dài hạn hơn, chẳng hạn như sự suy thoái nói trên, việc nới lỏng các hạn chế Covid-19 ở Trung Quốc, và tất nhiên, lệnh trừng phạt mới nhất của phương Tây đối với Nga.

Các báo cáo về khả năng tăng sản lượng cho thấy OPEC sẽ hành động để thay thế số dầu bị mất do lệnh trừng phạt đối với Nga. Moscow nhiều lần cho biết họ sẽ không xuất khẩu dầu sang các quốc gia thực thi mức giá trần 60 USD/thùng, điều này làm dấy lên lo ngại về việc một lượng lớn dầu bị gián đoạn.

Việc mất dầu của Nga sẽ dẫn đến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt hơn nữa và do đó, dẩy giá cả tăng đột biến - một đòn giáng mà các nền kinh tế suy yếu sẽ khó có thể trụ vững. Đó chắc chắn là một viễn cảnh ảm đạm, nhưng có vẻ như OPEC+ không vội vàng dự đoán điều đó. Thật vậy, hầu hết các tin tức đến từ các thành viên OPEC+ đều cho thấy nhóm này có nhiều khả năng cắt giảm hơn là tăng sản lượng.

Hiện tại, thị trường dường như không bị ảnh hưởng bởi giá trần. Brent và WTI đã thực sự giảm kể từ thứ Hai khi mức trần có hiệu lực làm đẩy giá lên cao hơn trong một thời gian.

Urals, loại dầu hàng đầu của Nga, cũng giảm sau khi tăng vọt lên 79 USD/thùng vào thứ Hai. Giờ đây, loại dầu này đang được giao dịch ở mức giá “bình thường” hơn nhiều, 63 USD/thùng – gần nhưng cao hơn giá trần.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận dài hạn nào dựa trên điều này. Mặc dù các nhà phân tích dường như tin rằng dầu của Nga sẽ đơn giản được chuyển hướng sang châu Á, nhưng điều này có nghĩa là nhu cầu về nhiều tàu chở dầu hơn và thay đổi về bảo hiểm cũng như xử lý thanh toán để tránh các nhà cung cấp dịch vụ phương Tây vốn đang thống trị những thị trường này.

Mặc dù đây có thể là những diễn biến giúp tăng giá và thuận lợi cho OPEC+, nhưng sự suy giảm toàn cầu tiếp tục là một lo lắng cho nhóm. Các ngân hàng trung ương dường như quyết tâm tuân theo lộ trình thắt chặt của họ bất kể điều gì gây thiệt hại cho nền kinh tế, và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, lan rộng khắp các quốc gia đang phát triển, không giúp được gì.

Do đó, không có gì hợp lý hơn đối với OPEC là chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, như nhà báo Clyde Russell của Reuters đã lưu ý trong một chuyên mục gần đây. Ông cũng lưu ý rằng OPEC vẫn không đạt được hạn ngạch sản xuất. Tuy nhiên, có vẻ như điều này đã không ảnh hưởng đến giá cả, mặc dù nó cho thấy nguồn cung dầu toàn cầu đang khan hiếm trầm trọng.

Một số nhà phân tích dự báo dầu Brent có thể chạm mốc 100 USD trước cuối năm do các biện pháp trừng phạt chống Nga đến từ phương Tây.

Tuy nhiên, với hai yếu tố giảm giá mạnh - triển vọng suy thoái lan rộng và Trung Quốc tiếp tục vật lộn với Covid - giá sắp tới sẽ đi về đâu vẫn là điều mà không ai biết chắc. Và OPEC+ không vội làm bất cứ điều gì cho đến khi họ thực sự ra tay.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM