Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA - VỀ XĂNG VÀ NHIÊN LIỆU ĐIÊZEN

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 

QCVN 1 : 2007/BKHCN 
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ XĂNG VÀ NHIÊN LIỆU ĐIÊZEN 
National technical regulation on gasoline and diesel fuel 
 
HÀ NỘI - 2007 
Lời nói đầu

 
QCVN 1 : 2007/BKHCN do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu và nhiên liệu sinh học biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình duyệt và được ban hành theo Quyết định số: 16/2007/QĐ-BKHCN ngày 27 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ XĂNG VÀ NHIÊN LIỆU ĐIÊZEN
 
National technical regulation on gasoline and diesel fuel
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng liên quan đến an toàn, sức khoẻ, môi trường; các phương pháp thử tương ứng và các yêu cầu cơ bản đối với quản lý chất lượng xăng và nhiên liệu điêzen có nguồn gốc dầu mỏ, dùng cho động cơ xăng và động cơ điêzen.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc nhập khẩu, sản xuất, chế biến, phân phối và bán lẻ xăng, nhiên liệu điêzen tại Việt Nam.
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Xăng là hỗn hợp bay hơi của các hydrocacbon lỏng, thông thường có chứa lượng nhỏ phụ gia phù hợp để sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong.
1.3.2. Nhiên liệu điêzen (DO) là phần cất trung bình của dầu mỏ phù hợp để sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong theo nguyên lý cháy do bị nén dưới áp suất cao trong xilanh của động cơ điêzen.
1.3.3. Trị số ốc tan (RON) là số đo chỉ khả năng của nhiên liệu chống gõ của động cơ đánh lửa, thu được bằng cách so sánh cường độ gõ của nhiên liệu thử với các nhiên liệu chuẩn, xác định theo TCVN 2703 : 2007 (ASTM D 2699-06a) Xác định trị số ốc tan nghiên cứu cho nhiên liệu động cơ đánh lửa.
2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Xăng
2.1.1. Trị số ốctan (RON) phải phù hợp với TCVN 6776 : 2005 Xăng không chì - Yêu cầu kỹ thuật và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
 
2.1.2.Các chỉ tiêu chất lượng liên quan đến an toàn, sức khoẻ, môi trường không được lớn hơn các mức quy định trong bảng sau:
Tên chỉ tiêu
Mức giới hạn
1. Hàm lượng chì, g/l
0,013
2. Hàm lượng lưu huỳnh, mg/kg
500
3. Hàm lượng benzen, % thể tích 
2,5
4. Hàm lượng hydrocacbon thơm, % thể tích
40
5. Hàm lượng olefin, % thể tích
38
6. Hàm lượng ôxy, % khối lượng
2,7
2.2. Nhiên liệu điêzen
2.2.1. Hàm lượng lưu huỳnh
Theo mức giới hạn hàm lượng lưu huỳnh, nhiên liệu điêzen gồm hai loại sau:
-Không lớn hơn 500 mg/kg;
- Không lớn hơn 2500 mg/kg.
Nhiên liệu điêzen có hàm lượng lưu huỳnh lớn hơn 500 mg/kg không dùng cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
2.2.2. Chỉ số xêtan không được nhỏ hơn 46.
2.3. Phụ gia
2.3.1. Các phụ gia pha vào xăng và nhiên liệu điêzen phải đảm bảo phù hợp với các quy định chung về an toàn, sức khoẻ, môi trường và không được gây hư hỏng hệ thống động cơ.
2.3.2. Không được sử dụng các loại phụ gia không dùng để pha chế
xăng và nhiên liệu điêzen. Các loại phụ gia không thông dụng khi pha chế xăng hoặc nhiên liệu điêzen phải được chứng minh sự đảm bảo về an toàn, sức khỏe, môi trường, không gây hư hỏng hệ thống động cơ và chỉ được sử dụng sau khi có sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền.
3. PHƯƠNG PHÁP THỬ
3.1. Lấy mẫu
Mẫu để xác định các chỉ tiêu chất lượng quy định trong Quy chuẩn này được lấy theo TCVN 6777 : 2000 (ASTM D 4057-95) Sản phẩm dầu mỏ - Phương pháp lấy mẫu thủ công và theo hướng dẫn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
3.2. Phương pháp thử
3.2.1. Các chỉ tiêu chất lượng của xăng quy định tại khoản 2.1 mục 2 của Quy chuẩn này được xác định theo các phương pháp sau :
- Trị số ốc tan (RON) theo TCVN 2703 : 2007 (ASTM D 2699-06a) Xác định    trị số ốc tan nghiên cứu cho nhiên liệu động cơ đánh lửa.
- Hàm lượng chì theo TCVN 7143 : 2006 (ASTM D 3237-02) Xăng -
Phương pháp xác định hàm lượng chì bằng quang phổ hấp thụ nguyên tử
.
- Hàm lượng lưu huỳnh theo TCVN 6701 :2007 (ASTM 2622-05) Sản phẩm dầu mỏ - Phương pháp xác định lưu huỳnh bằng huỳnh quang tán xạ tia X.
- Hàm lượng benzen theo TCVN 6703 : 2006 (ASTM D 3606-04a)
Xăng máy bay và xăng ô tô thành phẩm - Xác định benzen và toluen bằng phương pháp sắc ký khí.
- Hàm lượng hydrocacbon thơm và olefin theo TCVN 7330 : 2003
(ASTM D 1319-02a) Sản phẩm dầu mỏ dạng lỏng - Phương pháp xác định hydrocacbon bằng hấp phụ chỉ thị huỳnh quang.
- Hàm lượng ôxy theo TCVN 7332 : 2006 (ASTM D 4815-04) Xăng - Xác định hợp chất MTBE, ETBE, TAME, DIPE, rượu tert-Amyl và rượu từ C1 đến C4 bằng phương pháp sắc ký khí.
3.2.2.Các chỉ tiêu chất lượng của nhiên liệu điêzen quy định tại khoản 2.2 mục 2 của Quy chuẩn này được xác định theo các phương pháp sau:
- Hàm lượng lưu huỳnh theo TCVN 6701 : 2007 (ASTM 2622-05) Sản phẩm dầu mỏ - Phương pháp xác định lưu huỳnh bằng huỳnh quang tán xạ tia X.
- Chỉ số xêtan theo TCVN 3180 : 2007 (ASTM D 4737-04) Nhiên liệu điêzen - Phương pháp tính toán chỉ số xêtan bằng phương trình bốn biến số.
3.3. Xử lý kết quả thử nghiệm
Việc xử lý kết quả thử nghiệm đối với xăng, nhiên liệu điêzen để đánh giá sự phù hợp được thực hiện theo TCVN 6702 : 2007 (ASTM D 3244-04) Xử lý   kết quả thử nghiệm để xác định sự phù hợp với yêu cầu kỹ thuật.
4. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
4.1. Xăng, nhiên liệu điêzen nhập khẩu
4.1.1. Xăng, nhiên liệu điêzen nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng theo các chỉ tiêu quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này.
4.1.2. Việc kiểm tra xăng, nhiên liệu điêzen nhập khẩu được thực hiện theo một trong hai phương thức sau :
a) Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hoá;
b) Sử dụng kết quả giám định chất lượng hoặc chứng nhận chất lượng
lô hàng tại bến đi của tổ chức giám định hoặc tổ chức chứng nhận nước ngoài được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thừa nhận.
4.2. Xăng, nhiên liệu điêzen sản xuất, chế biến trong nước
Xăng, nhiên liệu điêzen sản xuất, chế biến trong nước phải được chứng nhận phù hợp với quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này theo phương thức thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
 
4.3. Xăng, nhiên liệu điêzen lưu thông trên thị trường
Xăng, nhiên liệu điêzen lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra sự phù hợp với quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này và TCVN 6776 : 2005 đối với                    xăng không chì, TCVN 5689 : 2005 đối với nhiên liệu điêzen theo phương thức              thử nghiệm mẫu điển hình.
4.4. Phương thức đánh giá sự phù hợp
Các phương thức đánh giá sự phù hợp quy định tại các điểm 4.1, 4.2, 4.3 khoản này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.
5. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN 
5.1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất chế biến xăng, nhiên liệu điêzen phải công bố tiêu chuẩn áp dụng theo TCVN 6776 : 2005 Xăng không chì - Yêu cầu kỹ thuật, TCVN 5689 : 2005 Nhiên liệu điêzen – Yêu cầu kỹ thuật và không được trái với quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này; cung cấp tiêu chuẩn áp dụng đã công bố cho các cơ sở phân phối, bán lẻ xăng, nhiên liệu điêzen.
Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Tổ chức, cá nhân phân phối, bán lẻ xăng, nhiên liệu điêzen phải có sẵn các tiêu chuẩn áp dụng (do các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, chế biến cung cấp) để thông tin cho người tiêu dùng và các cơ quan quản lý có liên quan khi cần thiết.
5.2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, chế biến, phân phối xăng, nhiên liệu điêzen phải đảm bảo chất lượng phù hợp với Quy chuẩn này và
tiêu chuẩn chất lượng do cơ sở công bố; phải đảm bảo điều kiện sản xuất, pha chế và kinh doanh xăng dầu theo các quy định hiện hành.
5.3. Tổ chức, cá nhân bán lẻ xăng, nhiên liệu điêzen phải ghi rõ trên cột bơm nhiên liệu hoặc phương tiện phân phối, bán lẻ khác nếu không có cột bơm,      các thông tin sau:
- Trị số ốctan (RON) đối với xăng không chì;            
- Hàm lượng lưu huỳnh đối với nhiên liệu điêzen.
Đối với nhiên liệu điêzen có hàm lượng lưu huỳnh lớn hơn 500 mg/kg phải thông báo rõ là không dùng cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 
6.1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Quy chuẩn này.
Căn cứ vào yêu cầu quản lý xăng, nhiên liệu điêzen liên quan đến an toàn, sức khoẻ, môi trường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này.
6.2. Trong trường hợp các tiêu chuẩn, hướng dẫn quy định tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới./.
 
___________________

ĐỌC THÊM