Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu và suy thoái kinh tế thế giới

Kinh tế toàn cầu mong manh ngày nay phải đối mặt với nhiều nguy cơ: rủi ro từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, rủi ro về sức tăng trưởng chậm hơn dự báo của Trung Quốc và rủi ro về sự thất bại trong phục hồi kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, không có một nguy cơ nào nghiêm trọng hơn sự tăng vọt của giá dầu.

Giá dầu Brent, vốn đứng dưới ngưỡng 100 USD/thùng trong năm 2011, gần đây đã chạm mức 125 USD/thùng. Giá xăng tại Mỹ đã tiệm cận 4$/gallon, ngưỡng đe dọa tới tâm lý người tiêu dùng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong mùa hè cao điểm về nhu cầu sử dụng.

Lý do ở đây là sự sợ hãi. Không chỉ nguồn cung dầu đã được đa dạng hóa mà cả nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ và châu Âu đã giảm, do người dân đã hạn chế bớt việc sử dụng xe hơi trong vài năm qua cũng như mức tăng trưởng GDP kém lạc quan tại Mỹ và châu Âu. Đơn giản, những lo ngại xung quanh vấn đề xung đột vũ trạng giữa Israel và Iran đã tạo ra một “nỗi sợ”.

Ba cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trước năm 2008 đều xuất phát từ những cú shock địa chính trị từ Trung Đông, theo đó dẫn tới mức tăng mạnh của giá dầu.

Vào năm 1973, cuộc chiến tháng 10 (Yom Kippur War) giữa Israel với các quốc gia Ả rập đã dẫn tới tình trạng giảm phát trên toàn cầu trong giai đoạn 1974 – 1975. Cách mạng Iran năm 1979 đẩy thế giới vào giảm phát trong thời kỳ 1980 – 1982. Và cuộc chiến xâm lược Cô oét của Iraq mùa hè năm 1990 cũng kéo theo suy thoái kinh tế thế giới 1990 – 1991.

Ngay cả cuộc suy thoái toàn cầu gần đây, khởi động bởi cuộc khủng hoảng tài chính, cũng trở nên trầm trọng hơn do giá dầu leo thang năm 2008. Với việc giá dầu chạm ngưỡng 145 USD/thùng vào tháng 7 năm đó, các nền kinh tế phát triển phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu dầu mỏ và các thị trường mới nổi đối mặt với điểm bùng phát suy thoái.

Nguy cơ từ việc Israel đe dọa tấn công Iran, thực tế, vẫn còn ở mức thấp nhưng đang ngày càng gia tăng. Thủ tướng Israel, ông Netanyahu gần đây đã có chuyến công du tới Mỹ thảo luận về vấn đề Iran.

Iran, ngược lại, có thể phản ứng bằng cách gia tăng những căng thẳng tại vùng Vịnh. Cuối cùng, có thể quốc gia này sẽ đánh chìm một số tàu để khóa chặt eo biển Hormuz hoặc kích động các tổ chức hồi giáo cực đoan như các lực lượng Shia tại Iraq, Cô oét, Ả rập Saudi hay tổ chức Hezbollah tại Li băng, Hamas và Jihad tại Gaza.

Căng thẳng có thể được giảm bớt trong những tuần tới khi Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc và Nga sẽ thông qua một nghị quyết chống Iran phát triển hạt nhân. Nhưng nếu vòng đám phán này thất bại thì sẽ không thể loại trừ khả năng mùa hè năm nay, Israel và Mỹ sẽ đồng thuận sử dụng vũ lực để chống Iran.

Thực tế, trong khi Israel và Mỹ vẫn đang chưa nhất trí được ở một số điểm – Israel muốn tấn công trong năm nay trong khi chính quyền Obama vẫn phản đối việc dùng tới những hành động quân sự trước cuộc bầu cử tháng 11 tới đây – hai bên đang dần thống nhất về mục tiêu và kế hoạch. Quan trọng hơn, nước Mỹ hiện rõ ràng từ bỏ chính sách ngăn chặn (chấp nhận vấn đề hạt nhân Iran và sử dụng chiến lược răn đe). Do đó, nếu các đàm phán và thỏa thuận không tỏ ra hiệu quả, nước Mỹ sẽ phải sử dụng quân đội chống lại Iran.

Nếu nguy cơ chiến tranh ngày một hiển hiện, giá dầu theo đó chắc chắn sẽ tăng, gây ra sự tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Mỹ và toàn cầu và thậm chí có thể gây ra suy thoái nếu xung đột vũ trang leo thang và đẩy giá dầu tăng vọt.

Hơn thế nữa, những căng thẳng địa chính trị lớn hơn tại khu vực Trung Đông không biến mất mà có thể trầm trọng hơn. Bên cạnh những bất ổn sâu rộng do biến động tại Ai Cập và Libya, hiện Syria cũng đang đứng trên bờ vực nội chiến và các lực lượng cực đoan có thể nắm quyền tại Yemen, làm xói mòn tình hình an ninh tại Ả rập Saudi. Bên cạnh đó, vẫn có những lo ngại về căng thẳng chính trị gia tăng tại các tỉnh phía Đông có trữ lượng dầu mỏ giàu có của Ả rập Saudi và Bahrain, thậm chí ở Cô oét và Jordan, những khu vực có đông người Shia hay các nhóm bạo động khác sinh sống.

Với việc Mỹ đã rút khỏi Iraq, căng thẳng gia tăng giữa những tộc người Shia, Sunni và Kusd cảnh báo trước khả năng đẩy mạnh sản lượng khai thác dầu mỏ của nước này khó có thể sớm được triển khai. Ngoài ra, cũng tồn tại những căng thẳng giữa Israel – Palestine, Israel – Thổ Nhĩ Kỳ và điểm nóng Afghanistan – Pakistan.

Giá dầu đã ở trên mức 100 USD/thùng, bất chấp sức tăng trưởng yếu của các nền kinh tế phát triển và nhiều thị trường mới nổi. Nỗi sợ có thể đẩy giá dầu tiếp tục tăng cao ngay cả khi cuối cùng không có một xung đột quân sự nào xảy ra hoặc có thể tạo ra một cuộc suy thoái toàn cầu nếu nỗi lo sợ về chiến tranh trở thành sự thật.

Bài viết của tác giả Nouriel Roubini - Giáo sư Đại học Stern School of Business, New York University và Chủ tịch của Roubini Global Economics.

Nguồn tin: Project Syndicate

ĐỌC THÊM