Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Venezuela: Khủng hoảng tín dụng của PDVSA đã lan sang Citgo ở Mỹ

Theo sáu nhà kinh doanh và các nguồn tin ngân hàng, các biện pháp trừng phạt gần đây của Washington đối với công ty dầu khí quốc doanh của Venezuela, PDVSA, đã bắt đầu ảnh hưởng tới công ty của họ ở Mỹ, Citgo Petroleum, khiến cho nhà máy lọc dầu này khó có được khoản tín dụng cần để mua dầu thô.

Các nguồn cung cấp cho biết ít nhà cung cấp dầu sẵn sàng bán hàng cho Citgo bằng tín dụng mở, thay vào đó yêu cầu phải trả trước hoặc có thư tín dụng ngân hàng để cung cấp cho mạng lưới lọc dầu 749.000 thùng mỗi ngày của công ty này.

Hai nguồn tin tại các nhà cung cấp Canada cho biết công ty của họ không còn được phép kinh doanh trực tiếp với Citgo và bắt đầu bán hàng thông qua bên thứ ba để tránh rủi ro tín dụng.

Ba nhà máy lọc dầu của Citgo ở Illinois, Texas và Louisiana chiếm khoảng 4% công suất nhiên liệu trong nước và là nhà cung cấp xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay chủ lực. Nếu những rắc rối về tài chính làm tăng chi phí để mua được dầu thô, thì lợi nhuận sẽ bị bào mòn, làm cho công ty trở nên kém cạnh tranh hơn.

Citgo vẫn được miễn nhiễm khỏi tình trạng khó khăn của công ty mẹ ở Venezuela cho đến năm nay. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ được áp dụng trong những tháng gần đây chống lại các quan chức Venezuela, các nhà điều hành PDVSA và việc phát hành nợ của nước này đã ngăn không cho các ngân hàng và nhà cung cấp gia hạn thậm chí là với tín dụng thông thường.

Nhà cung cấp dầu thô chính của Citgo là Venezuela, nhưng công ty này cũng mua dầu của Mỹ và từ nước ngoài. Citgo đã thông báo với một số nhà cung cấp rằng họ có thể tính phí nhiều hơn để tương ứng với rủi ro tín dụng tăng thêm.

Giám đốc điều hành của một công ty thương mại có mối quan hệ kinh doanh lâu dài với PDVSA cho biết: "Chúng tôi bây giờ bảo thủ hơn khi đối phó với PDVSA hay bất kỳ đơn vị nào của nó”.

"Các ngân hàng mà đã từ chối cung cấp tín dụng có một tư duy rất hợp lý, họ không muốn bị trừng phạt. Nó không mất quá nhiều để các ngân hàng lo lắng", ông nói thêm.

Chính phủ Hoa Kỳ không có ý định trừng phạt để ảnh hưởng đến các thỏa thuận tín dụng tư nhân hiện tại tại Citgo hay PDVSA. Bộ trưởng Tài chính Steven Mukuchin vào tháng Tám nói rằng "tài trợ ngắn hạn cho hầu hết giao dịch thương mại" giữa Hoa Kỳ và Venezuela, trong đó có lưu lượng dầu khí, đã được miễn trừ.

Citgo từ chối bình luận.

Phó Chủ tịch kinh tế Venezuela Ramon Lobo hôm thứ Năm cho biết chính phủ đang phải đối mặt với "một loạt những khó khăn" do hậu quả của lệnh trừng phạt, ông cho rằng đây là một nỗ lực để đẩy nước này vào tình trạng vỡ nợ với "cuộc phong tỏa tài chính".

THƯƠNG LƯỢNG LẠI THỎA THUẬN NGUỒN CUNG

Tuy Citgo không bị trừng phạt trực tiếp hồi tháng Tám, nhưng nó bị cấm chuyển nhượng cổ tức hay lợi nhuận phân phối cho PDVSA hoặc chính phủ Venezuela. Theo Fitch Ratings, Citgo đã chuyển gần 2,5 tỉ đô la cổ tức cho công ty mẹ từ năm 2015.

Sự hạn chế đó làm gia tăng báo động với các đối tác giao dịch và ngân hàng dài hạn ở Hoa Kỳ.

Theo đó, Citgo đang “cố gắng đàm phán lại các điều khoản cung cấp của mình”, một thương nhân từ một công ty cho biết, công ty này đang yêu cầu Citgo thanh toán tiền mua hàng. Công ty đang lo lắng về rủi ro vỡ nợ cao hơn cũng như các biện pháp trừng phạt.

Citgo cũng gặp những vấn đề khác. Các nhà máy lọc dầu ở bờ Vịnh Mỹ đang bị buộc phải mua thêm dầu thô trên thị trường mở để bù đắp cho dòng dầu đang giảm từ PDVSA.

Theo báo cáo của Reuters, từ tháng 6 đến tháng 8, PDVSA chỉ cung cấp một nửa khối lượng dầu thô Venezuela mà nó phải chuyển tới Citgo theo hợp đồng cung cấp 220.000 thùng/ngày. Đồng thời, Venezuela tăng vận chuyển dầu đến Rosneft của Nga để trả tiền vay.

Ngay cả nhà máy lọc dầu Lemont công suất 167.000 thùng/ngày của Citgo ở Illinois cũng đang gặp khó khăn trong việc duy trì các thỏa thuận tín dụng với các nhà cung cấp truyền thống của mình, theo ba thương nhân từ các nhà cung cấp dầu thô không còn được phép bán trực tiếp cho Citgo nữa.

Hồi tháng Tám, Giám đốc điều hành Citgo đã tới Canada, như họ thường làm mỗi năm một lần, nhưng lần này là để cam đoan với các giám đốc phân phối ở Calgary rằng công ty vẫn ổn định về mặt tài chính. "Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai cũng bịthuyết phục", một nguồn tin cho biết.

ĐƯỢC CỨU BỞI THỤY SĨ

Citgo có một thoả thuận lâu dài để mua dầu theo các điều khoản ưu đãi từ Mercuria Energy có trụ sở tại Thụy Sỹ, mà không cần  thư tín dụng, theo bốn thương nhân.

Nhưng khi Mercuria không thể cung cấp dầu thô cho Citgo, nhà máy lọc dầu này sẽ tìm đến thị trường giao ngay, nơi mà nhiều nhà cung cấp dịch vụ đòi hỏi phải thanh toán trước hoặc thư tín dụng để đảm bảo thanh toán trong vòng 30 ngày sau khi bốc dỡ hàng.

Các nguồn tin cho biết các thương nhân, nhà máy lọc dầu và công ty dầu mỏ đã bị từ chối dứt khoát trong những tuần gần đây, sau khi tìm kiếm thư tín dụng từ danh sách các ngân hàng được đề xuất bởi PDVSA và Citgo, trong đó có Citibank (N: C), JP Morgan (N: JPM), Credit Suisse (S: CSGN), BNP Paribas (PA: BNPP), ABN Amro (AS: ABNd) và Deutsche Bank (DE: DBKGn).

Một giám đốc ngân hàng đã làm việc với Venezuela trong nhiều năm, nói: "Đây không phải là vấn đề tín dụng, không ai nghĩ rằng Citgo không muốn chi trả. Nhưng các ngân hàng phải tự bảo vệ họ khỏi bị phạt tiền, vì vậy họ thường tuân theo yêu cầu của lệnh trừng phạt".

Các ngân hàng từ chối bình luận về các khách hàng cụ thể.

Nỗ lực của Citgo để giải quyết các vấn đề về tín dụng là đề xuất các nhà cung cấp nâng giá của họ lên, ba thương nhân cho biết. Nhưng việc đó"chỉ chuyển rủi ro tín dụng từ ngân hàng sang nhà cung cấp dầu", một trong số họ nói.

Một hướng tương tự đã được PDVSA sử dụng năm ngoái trước khi các nhà trung gian bắt đầu yêu cầu thanh toán trước. Trong hầu hết các trường hợp, các lô hàng đến cảng Venezuela hiện phải chờ đợi nhiều tuần trước khi nhận được tiền chuyển khoản qua ngân hàng.

Bộ trưởng Lobo và các nhà kinh doanh cho biết PDVSA đã bắt đầu đàm phán để thay đổi đồng tiền được ưu tiên từ đô la Mỹ sang đồng euro cho một số mối quan hệ kinh doanh, một ý tưởng đã từng bị thất bại trong những năm trước. Tổng thống Nicolas Maduro tuần trước cho biết Venezuela cũng có thể sử dụng đồng NDT của Trung Quốc, rupi của Ấn Độ, đồng rúp của Nga và đồng yên Nhật Bản.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM