Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực

Dầu mỏ được coi là động lực phát triển và song hành cùng thế giới trên con đường tiến tới văn minh, song nó cũng là nguyên nhân gây ra biết bao biến động chính trị. Những cuộc tranh giành quyền lực, chết chóc đau thương cũng có xuất phát điểm từ nguồn vàng đen này...
Từ cuối thế kỷ XIX, hết thế kỷ XX cho đến hôm nay, dầu mỏ đều ít nhiều là tác nhân gây nên những cuộc tranh giành quyền lực, dẫn đến những cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới và cuối cùng là hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX.
Vào đầu những năm 1970, do dầu đột ngột tăng giá, kinh tế thế giới, nhất là ở những nước công nghiệp tiên tiến, đã rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Từ đó tới nay những biến động về giá dầu đã trở thành mối quan tâm hàng ngày, hàng giờ. Nhiều lúc người ta có cảm tưởng sự tồn vong và phát triển của thế giới hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các nguồn tài nguyên, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt, nguồn năng lượng mà loài người hiện chỉ còn 30 đến 35% dự trữ, tức là với tốc độ sử dụng hiện nay dầu mỏ chỉ còn được sử dụng trong khoảng 30 đến 40 năm nữa.
Nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc vào năng lượng như hiện nay thì dầu mỏ giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Giá dầu tác động và ảnh hưởng tới sự phát triển nền kinh tế toàn cầu và hầu như mọi ngành công nghiệp đều phụ thuộc rất lớn vào nguồn tài nguyên quý giá này.
Chỉ trong vài tháng qua, giá dầu đã tăng đột ngột, ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Tháng 7/2008, giá dầu lần đầu tiên đạt kỷ lục trong lịch sử với mức giá 150 đôla một thùng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố báo cáo mới nhất về thị trường dầu mỏ thế giới. Nhu cầu tăng mạnh ở các nước đang phát triển và những căng thẳng về nguồn cung hiện nay dự báo "một bức tranh thị trường dầu mỏ u ám trong trung hạn".
Dầu mỏ ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị thế giới nói chung và Trung Đông nói riêng có nhiều biến động khiến giá dầu không ngừng leo thang. Thực tế đang chứng minh rằng thế giới sẽ dần dần được vận hành bởi động lực là dầu mỏ cho đến khi nhân loại tìm ra được một loại nhiên liệu khác đủ sức thay thế hoàn toàn mà chuyện đó dường như còn xa vời.
Nằm trong sự ảnh hưởng chung, Việt Nam cũng không tránh khỏi những biến động và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những biến động trong ngành dầu mỏ. Giá xăng và nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế quốc gia và đời sống của người dân.
Nỗi ám ảnh mang tên dầu mỏ
Vào những năm 1850, đồng lương của một giáo sư chẳng lấy gì làm sung túc. Vì vậy, để có thêm thu nhập, năm 1854, Benjamin Silliman Con, con trai một nhà hóa học vĩ đại người Mỹ, đồng thời cũng là giáo sư hóa học danh tiếng tại Đại học Yale, đã tham gia dự án nghiên cứu của một nhóm các nhà xúc tiến kinh doanh và doanh nhân với tổng mức thù lao là 526,08 đôla. Mặc dù đã hoàn thành công việc, ông vẫn không nhận được số tiền thù lao đã cam kết. Tức giận, Silliman muốn biết xem số tiền đó đã biến đi đâu. Sự giận dữ của ông nhằm vào những người đứng đầu nhóm này, George Bissell, một luật sư đến từ New York, và James Townsend, Chủ tịch một ngân hàng ở New Haven. Tuy nhiên, Townsend luôn né tránh vì e ngại những người gửi tiền tại ngân hàng của ông sẽ không yên tâm khi biết ông đang tham gia một hoạt động kinh doanh đầy tính đầu cơ như thế.
Bissell, Townsend và những thành viên khác trong nhóm kinh doanh này dồn hết tâm trí cho một điều vĩ đại, một tầm nhìn lớn về tương lai của thứ vật chất được biết đến với cái tên “dầu mỏ” nhằm phân biệt với các loại dầu thực vật và mỡ động vật. Họ biết rằng, dầu mỏ sủi bong bóng trên mặt các con suối hoặc thẩm thấu vào các giếng nước mặn ở khu vực xung quanh vùng Sông Dầu, một địa danh nằm giữa vùng đồi núi xa xôi ở phía tây bắc bang Pennsylvania. Tại nơi vùng đất hoang vu này, người ta tìm được một số thùng dầu bằng những phương tiện hết sức thô sơ. Họ chỉ việc hớt loại vật chất tối màu và nặng mùi này trên mặt các con suối và nhánh sông hoặc vắt những miếng giẻ hoặc chăn nhúng trong nước có chứa dầu. Người ta sử dụng phần lớn lượng dầu nhỏ bé thu lượm được này để sản xuất thuốc.
Nhóm các nhà đầu tư này cho rằng có thể khai thác dầu mỏ với khối lượng lớn hơn nhiều rồi chế biến thành một loại chất lỏng có thể dùng để thắp sáng. Họ chắc chắn loại dầu mới này sẽ có khả năng cạnh tranh mạnh với loại nến đang chiếm lĩnh thị trường vào những năm 1850. Tóm lại, họ tin tưởng rằng nếu khai thác được dầu với khối lượng đủ lớn, họ có thể tung ra thị trường một loại dầu thắp sáng chất lượng cao, giá thành thấp mà vào giữa thế kỷ XIX loài người đang rất cần. Họ bị thuyết phục bởi ý nghĩ rằng họ có thể chiếu sáng cho các thị trấn và nông trại tại Bắc Mỹ và châu Âu. Quan trọng hơn, họ có thể sử dụng dầu mỏ để bôi trơn các bộ phận chuyển động của máy móc trong buổi bình minh của kỷ nguyên cơ khí. Và cũng giống như tất cả những doanh nhân tin tưởng vào giấc mơ của riêng mình, họ còn tin tưởng rằng họ sẽ trở nên vô cùng giàu có nếu làm được tất cả những việc này. Không ít người nhạo báng họ. Tuy nhiên, nhờ kiên trì, những người này đã thành công trong việc đặt nền móng cho một kỷ nguyên hoàn toàn mới trong lịch sử nhân loại - kỷ nguyên dầu lửa.
Dự án mang tên "Để xoa dịu những phiền muộn của chúng ta”
Dự án này bắt nguồn từ những ý định tình cờ và lòng quyết tâm của George Bissell, người đi đầu trong việc sáng lập ngành công nghiệp dầu lửa. Với khuôn mặt dài, nhọn và vầng trán rộng, Bissell toát ra vẻ đẹp trí tuệ đầy ấn tượng. Ông là một người sắc sảo và nhạy bén với các cơ hội kinh doanh vì đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Tự lập từ năm 12 tuổi, Bissell tự trang trải cho việc học tập tại trường Cao đẳng Dartmouth bằng cách đi dạy và viết báo. Sau khi tốt nghiệp, ông từng làm giảng viên tiếng Latinh và Hy Lạp, rồi chuyển tới Washington để làm báo. Cuối cùng, Bissell định cư ở New Orleans, nơi ông trở thành hiệu trưởng của một trường trung học rồi làm giám thị của các trường công. Trong thời gian rảnh, ông học thêm để lấy bằng luật sư và tự học thêm nhiều ngôn ngữ nữa và, cuối cùng, ông thành thạo cả tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha và có thể đọc, viết bằng tiếng Do Thái cổ, tiếng Phạn, tiếng Hy Lạp cổ và hiện đại, tiếng Latinh và tiếng Đức.
Nhưng do sức khỏe kém Bissell buộc phải trở lại Washington. Trên đường trở về, khi đi qua Pennsylvania ông nhìn thấy một số hoạt động khai thác dầu thô sơ với các vợt hớt và giẻ thấm dầu. Không lâu sau, khi tới thăm mẹ ở Hanover, bang New Hampshire, Bissell tới trường cũ của ông, trường Dartmouth. Tại đây, ông quan sát thấy một chai chứa mẫu dầu mỏ giống như ở Pennsylvania cho một học sinh cũ của trường đang làm bác sĩ tại phía tây Pennsylvania mang đến.
Bissell biết rằng loại dầu này đang được sử dụng như những loại thuốc dân gian và cả biệt dược để chữa nhiều loại bệnh từ đau đầu, đau răng, điếc… tới rối loạn tiêu hóa, nhiễm giun sán, thấp khớp và phù, cũng như làm liền các vết thương trên lưng ngựa và la. Loại dầu này được gọi là “dầu Seneca” theo tên người da đỏ địa phương đặt để bày tỏ lòng kính trọng với thủ lĩnh Red Jacket, nhân vật được cho là đã truyền lại những bí quyết chữa lành vết thương của loại dầu này cho người da trắng. Một công ty cung cấp dầu Seneca đã quảng cáo “sức mạnh chữa bệnh kỳ diệu” của loại dầu này bằng một bài thơ như sau:
"Thứ dầu tuyệt hảo đến từ dòng suối bí mật của thiên nhiên,
Đem đến cho con người sự khởi sắc trong sức khỏe và cuộc sống;
Từ những đáy sâu và dòng chảy kỳ diệu của tự nhiên,
Để làm dịu những đớn đau và phiền muộn của chúng ta".
Bissell biết chất lỏng sền sệt màu đen này có thể đốt cháy được. Nhìn thấy mẫu dầu mỏ ở Dartmouth, ông lóe lên một ý tưởng loại dầu này không chỉ có thể dùng làm thuốc chữa bệnh mà còn có thể dùng làm dầu thắp sáng. Ông có thể thoát khỏi nỗi lo lắng về tiền bạc và trở nên giàu có nhờ việc phát triển thứ nhiên liệu này. Trực giác đó trở thành kim chỉ nam và niềm tin của ông, những điều được thử thách rất nhiều trong cuộc sống đầy thất vọng của ông sáu năm sau đó.
Nhưng liệu có thể dùng dầu mỏ làm nhiên liệu đốt? Bissell đã khuấy động mối quan tâm của các nhà đầu tư khác và cuối năm 1854, nhóm doanh nhân đã thuê giáo sư Silliman của Đại học Yale phân tích và đánh giá khả năng đốt cháy và bôi trơn của dầu. Nhưng điều chủ yếu họ muốn là có được sự tán đồng của vị giáo sư danh tiếng này dành cho dự án để bán được cổ phiếu và huy động vốn. Không ai có thể đáp ứng tốt mục đích này bằng Silliman. Với vóc người to lớn, tráng kiện và “khuôn mặt tử tế, vui vẻ”, Silliman là một trong những tên tuổi vĩ đại và đáng kính nhất trong nền khoa học thế kỷ XIX. Ông là con trai của người sáng lập ngành hóa học Mỹ và bản thân ông cũng là một trong những nhà khoa học tiêu biểu nhất thời đó. Silliman cũng là tác giả của những cuốn sách giáo khoa vật lý và hóa học hàng đầu. Yale là thủ đô khoa học của nước Mỹ giữa thế kỷ XIX và cha con nhà Silliman chính là tâm điểm của trung tâm này.
Tuy nhiên, Silliman quan tâm đến thực tiễn nhiều hơn là lý thuyết và thực tiễn đã hút ông vào lĩnh vực kinh doanh. Hơn nữa, mặc dù có danh tiếng lớn và trình độ khoa học cao, ông luôn cần có thêm thu nhập. Lương làm khoa học rất thấp mà gia đình của ông lại đang phình ra. Do đó, ông thường nhận làm thêm các công việc tư vấn ở bên ngoài, cung cấp các đánh giá địa chất và hóa học cho nhiều đối tượng khách hàng. Mối quan tâm đến thực tiễn cũng thu hút ông tham gia trực tiếp vào những dự án kinh doanh mạo hiểm mà theo lời giải thích của ông, thành công của chúng sẽ đem đến cho ông “thật nhiều cơ hội… cho khoa học”. Một người em rể của ông thì tỏ ra hoài nghi hơn khi nhận xét, Benjamin Silliman “đang trên đà tụt dốc liên tục, về mặt này hay mặt khác. Thật đáng thương thay cho khoa học”.
Khi nhận việc phân tích dầu mỏ, Silliman luôn tạo cho khách hàng niềm tin mình đang có được bản báo cáo mong đợi. Silliman tuyên bố: “Tôi dám cam đoan với các ngài rằng kết quả này sẽ đáp ứng được những mong đợi của các ngài về giá trị của thứ vật chất này”. Ba tháng sau đó, khi gần kết thúc nghiên cứu, thậm chí ông còn có thái độ nhiệt tình hơn. Ông công bố đã có “thành công ngoài dự kiến trong việc sử dụng sản phẩm chưng cất của dầu mỏ làm chất đốt”.
Các nhà đầu tư trông đợi rất nhiều vào bản báo cáo cuối cùng. Nhưng sau đó xảy ra một sự cố. Họ nợ Silliman số tiền 526,08 đôla (tương đương khoảng 5.000 đôla ngày nay) nên ông đã nhất quyết đòi họ phải chuyển trước 100 đôla tiền mặt vào tài khoản của ông ở New York. Sự chậm trễ trong việc đặt cọc đã khiến vị giáo sư nổi giận. Xét cho cùng, ông không thực hiện dự án này chỉ vì lòng ham thích khám phá khoa học đơn thuần. Vì thế, ông tuyên bố sẽ giữ lại những kết quả nghiên cứu cho tới khi nào được thanh toán hết tiền. Trên thực tế, Silliman đã bí mật đưa bản báo cáo cho một người bạn cất giữ, còn ông đi xuống miền Nam, nơi người ta rất khó gặp được ông.
Các nhà đầu tư cảm thấy thất vọng. Báo cáo cuối cùng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc thu hút thêm vốn. Cuối cùng, một trong những đối tác của Bissell đã chịu bỏ ra số tiền này với sự bảo đảm của chính Bissell. Bản báo cáo đề ngày 14/4/855 đã được giao cho các nhà đầu tư và nhanh chóng được chuyển tới nhà in. Mặc dù vẫn phát khiếp vì khoản thù lao phải trả cho Silliman, nhưng trên thực tế, các nhà đầu tư này vẫn thu được nhiều hơn số tiền họ bỏ ra.
Theo nhận định của một nhà sử học, nghiên cứu của Silliman chính là “một bước ngoặt trong sự hình thành ngành dầu lửa”. Silliman đã xua tan những nghi ngờ về khả năng sử dụng dầu mỏ theo những phương thức mới. Ông chỉ ra cho các khách hàng của mình là có thể đun sôi dầu mỏ ở các nhiệt độ khác nhau và nhờ vậy có thể chưng cất dầu thành nhiều sản phẩm có thành phần chính là carbon và hydro. Một sản phẩm quan trọng trong số đó là loại dầu thắp sáng chất lượng rất cao.
Silliman viết: “Thưa các ngài, tôi hoàn toàn có cơ sở để tin công ty của các ngài sở hữu một loại vật liệu thô mà từ đó, có thể chế tạo ra những sản phẩm rất có giá trị bằng các quy trình giản đơn và không hề tốn kém. Thưa các ngài, sau những nỗ lực nghiên cứu không mệt mỏi, tôi có thể bảo đảm rằng công ty của các ngài đang sở hữu một loại tài nguyên quý giá. Với các quy trình công nghệ đơn giản và kinh tế, nó có thể tạo ra các sản phẩm có giá trị cao”. Do những vướng mắc về tài chính đã được giải quyết, Silliman lại sẵn sàng tham gia các dự án tiếp theo.
Có bản báo cáo của Silliman trong tay, bản báo cáo giống như một lời quảng cáo có sức thuyết phục nhất dành cho vụ kinh doanh này, nhóm các nhà đầu tư trên không gặp trở ngại nào trong việc huy động các nguồn vốn cần thiết từ các nhà đầu tư khác. Bản thân Silliman cũng mua 200 cổ phiếu, khiến doanh nghiệp đã được biết tới với cái tên Công ty dầu mỏ Pennsylvania này càng kính nể ông hơn. Tuy nhiên, thời kỳ khó khăn còn kéo dài thêm một năm rưỡi nữa trước khi các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào bước tiến mạo hiểm tiếp theo.
Nhờ nghiên cứu của Silliman, giờ đây, họ biết rằng có thể chiết xuất một chất lỏng dùng để đốt cháy từ dầu mỏ. Nhưng lượng dầu mỏ có sẵn liệu có đủ không? Một vài người cho rằng, dầu chỉ là những “giọt nhỏ” chảy ra từ các vỉa than ngầm. Một điều chắc chắn là không thể xây dựng hoạt động kinh doanh bằng cách vớt váng dầu trên mặt sông hoặc vắt dầu từ những mảnh giẻ rách thấm nước chứa dầu. Trước khi quyết định đầu tư lớn, vấn đề sống còn mà cả công ty này cùng hướng vào là phải chứng tỏ dầu mỏ tồn tại với khối lượng đủ để khai thác được.
Vào những năm 1850, việc phát triển dầu lửa tại Mỹ vấp phải hai rào cản lớn. Đó là chưa có một nguồn cung dầu đáng kể nào và chưa có loại đèn giá rẻ phù hợp để đốt loại dầu đó. Những loại đèn thời đó khi đốt tạo ra rất nhiều khói, và gây cay mũi. Sau đó, một đại lý bán dầu tại New York đã phát hiện ra một loại đèn có ống khói bằng thủy tinh để đốt dầu lửa đang được sản xuất tại Viên. Dựa trên thiết kế của người dược sĩ và người thợ đường ống ở Lvov, chiếc đèn đã khắc phục được các vấn đề khói và mùi. Đại lý dầu New York nhập khẩu loại đèn này và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Do liên tục được cải tiến, loại đèn xuất xứ từ Viên này đã trở thành cơ sở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đèn dầu tại nước Mỹ và sau đó được xuất khẩu trên khắp thế giới.
Như vậy, đến thời điểm Bissell khởi đầu dự án, dầu lửa loại dầu thắp sáng tốt và rẻ hơn đã được nhiều gia đình sử dụng. Những kỹ thuật cần thiết để lọc dầu thô thành dầu lửa đã được thương mại hóa với các loại parafin. Và một loại đèn giá rẻ cũng đã được phát triển để đốt dầu và đã đem lại những hiệu quả nhất định. Thật ra, những gì Bissell và các nhà đầu tư tại Công ty dầu mỏ Pennsylvania đang nỗ lực tìm kiếm là khám phá một nguồn nhiên liệu thô mới. Tựu chung, giá cả chính là vấn đề. Nếu họ có thể tìm thấy dầu mỏ đủ để đáp ứng nhu cầu, dầu sẽ được bán với giá rẻ và giành được thị phần của những sản phẩm dầu thắp sáng giá đắt hơn nhiều, hoặc không làm khách hàng hài lòng.
Việc đào lấy dầu không giải quyết được vấn đề. Nhưng có lẽ còn một giải pháp thay thế khác. Việc khoan tìm muối đã phát triển trước đó hơn 15 năm ở Trung Quốc, với các giếng muối khoan sâu tới 360 mét, chính là một gợi ý. Vào khoảng năm 1830, phương pháp cổ truyền của người Trung Quốc du nhập sang châu Âu và được người châu Âu học tập và rồi sau đó những kinh nghiệm này đã thúc đẩy việc khoan giếng muối ở Mỹ.
Khi đang trăn trở với dự án của mình, vào một ngày nóng bức năm 1856 ở New York, George Bissell tránh nắng dưới mái hiên của một tiệm thuốc trên đại lộ Broadway và bất chợt nhìn thấy tờ quảng cáo một loại thuốc sản xuất từ dầu mỏ, trên đó có hình ảnh nhiều giàn khoan các mỏ muối. Loại dầu mỏ dùng để chế tạo loại biệt dược đó là phụ phẩm thu được trong quá trình khoan khai thác muối. Với sự tình cờ này, tiếp theo những hoạt động ông đã thấy ở tây Pennsylvania và trường Dartmouth trước đây, Bissell nảy ra ý tưởng áp dụng công nghệ khoan khai thác muối để khoan dầu.
Bissell, rồi đến các nhà đầu tư khác trong Công ty dầu mỏ Pennsylvania, đều nhận thức sâu sắc là phải áp dụng kỹ thuật khoan muối vào việc khai thác dầu. Họ sẽ khoan thay vì đào để lấy dầu mỏ. Nhiều nhà đầu tư khác ở Mỹ và Ontario, Canada cũng đang thử nghiệm kỹ thuật trên. Tuy nhiên, Bissell và cộng sự đã sẵn sàng hiện thực hóa ý tưởng này. Họ đã có báo cáo của Silliman và nhờ nó đã huy động được vốn. Tuy nhiên, ý tưởng của họ không được đánh giá nghiêm túc. Khi ông chủ nhà băng James Townsend bàn về ý tưởng khoan dầu, nhiều người ở New Haven đã nhạo báng: “Ồ, Townsend! Dầu đi ra từ lòng đất, bơm dầu lên mặt đất như ông bơm nước ư? Thật vớ vẩn! Ông điên mất rồi!” Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn quyết tâm tiến hành. Họ tin vào cơ hội và nhu cầu ngày càng tăng. Nhưng liệu họ có thể giao phó dự án điên rồ này cho ai?

(Trích cuốn "Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực" do Công ty Alpha Books phát hành)

ĐỌC THÊM